Về Ngọc Lũ “mùa” dịch tả lợn châu Phi

Tôi về Ngọc Lũ (Bình Lục) luôn có cảm giác như về quê, bởi quê tôi chỉ cách nơi đó vài cây số. Nghĩ là không lạ, nhưng nghe mấy anh em cùng quê nói chuyện, giờ về đó không khí khác trước lắm, bà con chăn nuôi chẳng hào hứng đón ai. Không phải vì yêu hay ghét mà chỉ vì giờ đang là mùa dịch, bà con đang chống dịch như chống giặc mà thôi…

Những ngả đường dẫn vào Ngọc Lũ không có gì khác thường, vẫn sôi động, nhộn nhịp bởi Ngọc Lũ là xã đa nghề, thương mại dịch vụ phát triển. Đặc biệt, chăn nuôi lợn được xếp vào hạng nhất, nhì miền Bắc. Buổi sáng, từ 5h đến 11h, các loại xe ba gác, xe tải ra vào chở lợn đi rầm rập.

Ở cửa ngõ chính, cách trung tâm xã chừng 500m, dọc theo tuyến đường liên xã ngược về phía xã Hưng Công, một chốt kiểm dịch động vật được lập tại đó. Trong số những cán bộ giữ chốt không rời, có bà Trần Thị Bốn, Trưởng Ban Thú y xã - một người phụ nữ luống tuổi, dáng đậm đà, tính tình vui vẻ.

Ngồi chờ những chuyến xe chở động vật ra, vào xã để kiểm tra, phun thuốc theo đúng quy định, bà Bốn nói chuyện làng. Loanh quanh cũng lại trở về với chuyện lợn, gà. Tôi hỏi bà Bốn: “Có phải vào làng bây giờ khó lắm không?”. Bà Bốn hiểu ngay ý tôi hỏi nên nói: “Cánh báo chí các cô về đây chủ yếu xem tình hình phòng, chống dịch của chúng tôi chứ gì? Vào làng không khó, thoải mái như thường, chỉ có điều, vào các hộ chăn nuôi bây giờ rất khó. Ngay cả cán bộ xã, thôn, muốn vào cũng phải được chủ hộ đồng ý”.

 

Bà Trần Thị Bốn, cán bộ thú y xã Ngọc Lũ trực chốt hằng ngày.

Trong lúc ngồi chuyện trò tại chốt, tôi nhận thấy một sự khác lạ, đó là thứ mùi hôi đặc trưng từ chăn nuôi lợn không đậm đặc, khó chịu như trước. Bà Bốn giải thích, từ năm 2017 trở về trước, quy mô đàn của chúng tôi hàng trăm nghìn con. Sau trận “bão giá” gần đây, tổng đàn giảm nhiều. Giờ cả xã chỉ còn khoảng 25 nghìn con lợn thôi, bằng một phần năm trước đây. Nhà nào nuôi nhiều nhất cũng trên dưới 2.000 con, còn lại chỉ vài chục đến vài trăm con. Môi trường tốt hơn rất nhiều, nhưng nghề nghiệp của bà con có sự thay đổi mạnh mẽ.

Bà Bốn nói: “Cô cứ ở lại đây với tôi đến chiều mà xem, con đường này đông nghịt xe cộ. Vài trăm người bỏ chăn nuôi, bỏ buôn bán đi làm công nhân ở các khu, cụm công nghiệp hàng năm nay. Sáng đi, tối về, đều đặn. Cứ hết tháng nhận lương, chẳng phải vay mượn ngân hàng, chẳng phải lo bệnh dịch, chẳng phải bẩn thỉu hôi hám… Có điều, thu nhập không cao, cố gắng tiết kiệm thì cũng đủ trang trải cuộc sống và lo cho con cái ăn học”.

Quá trưa, xe chở lợn ra vào cũng vãn. Chúng tôi mong được đến một vài hộ dân thực tế tình hình chăn nuôi thế nào. Dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng ở các địa phương trong tỉnh, Ngọc Lũ vẫn là nơi chăn nuôi lợn lớn nhất tỉnh, vẫn là nơi cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp, lãnh đạo huyện Bình Lục đặt nhiều sự quan tâm hơn cả khi dịch bệnh ùa vào Hà Nam.

Vào trụ sở UBND xã, gặp Chủ tịch UBND xã Trần Đình Thiện vừa đi họp trên huyện về, ông cởi mở, chân tình: “Đến giờ này dịch chưa vào được Ngọc Lũ. Lãnh đạo, các ngành chức năng vào cuộc, chỉ đạo anh em dưới này triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tích cực lắm. Được cái, bà con chăn nuôi ở đây đều chuyên nghiệp nên cũng chẳng đợi hô hào, bản thân họ luôn chủ động ra tay làm trước. Có hộ còn nói, nếu các chốt kiểm dịch không đủ vật tư phục vụ hoạt động kiểm soát dịch bệnh thì họ sẽ đóng góp! Đấy, ý thức phòng bệnh dịch của bà con ở đây không phải lo nghĩ gì đâu. Họ đã từng trải qua những đợt dịch bệnh khủng khiếp, rồi “bão giá”… có nhà mất trắng cơ nghiệp nên thừa hiểu khi bị dịch sẽ thế nào. Vì thế, bất kể là ai, thời điểm này muốn tiếp cận khu vực trang trại chăn nuôi của bà con là điều khó khăn đấy!”.

 

Tính đến hết ngày 16/4, toàn tỉnh có 6.290 con lợn của 474 hộ ở 36 xã thuộc 6 huyện, thành phố bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Toàn bộ số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được tiêu hủy. Thực hiện công tác phòng chống dịch, các địa phương đã tiêu độc khử trùng hơn 7 triệu m2 chuồng trại, môi trường vùng dịch bằng hóa chất sát trùng và vôi bột; duy trì hoạt động của các chốt kiểm soát tại những tuyến đường ra, vào vùng dịch. 

“Đứt tay mới hay thuốc”, người chăn nuôi lợn ở Ngọc Lũ lúc này không còn “ăn cơm nằm” nữa. Họ tuân thủ quy trình chăn nuôi quy mô lớn, thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh một cách nghiêm ngặt. Con trai ông Dương, một chủ hộ chăn nuôi lợn vào hạng lớn nhất Ngọc Lũ hiện nay kiên quyết canh cổng, không cho chúng tôi vào. Ngay cả cán bộ thú y của xã cũng phải đứng ngoài. Anh khoảng gần 30 tuổi, tốt nghiệp đại học nhưng về nhà lập nghiệp với bố bằng nghề chăn nuôi. Vừa khóa cổng trại, anh vừa nói: “Các chị thông cảm, quy định của chủ hộ nó vậy, phải tuân thủ thôi. Lợn chết thì chúng tôi hết nghiệp. Chúng tôi cũng biết cơ chế hỗ trợ của tỉnh đối với lợn mắc dịch bệnh thế nào, nhưng chúng tôi không thể ỷ lại chuyện đó”.

Đành phải về, trong lòng không hề thấy buồn mà thực sự vui. Giá như ở đâu, bà con chăn nuôi cũng có ý thức như ở Ngọc Lũ lúc này thì hay biết mấy. Tôi hỏi ông Thiện, giá lợn vừa rồi xuống thấp một ít, bà con có hoang mang không? Ông Thiện nói: Giá lợn xuống thực tình không phải do dịch bệnh tả lợn châu Phi đâu, mà do những thông tin về sán lợn. Khi vụ việc ở Bắc Ninh rầm rộ, người dân nghi ngờ thịt lợn, thậm chí tẩy chay nó nên đã tác động đến giá cả thôi. Dù sao thì đến giờ bà con chăn nuôi vẫn chịu thiệt thòi, giá lợn đã tăng dần, nhưng sự chênh lệch giá cửa chuồng với giá bán đến tay người tiêu dùng còn quá lớn. Thương lái là những người được lợi hơn cả!

Mặt trời xuống thấp, những dòng người nối nhau về làng. Trong số này có nhiều người là dân chăn nuôi lợn chuyên nghiệp, mới bỏ nghề. Trước năm 2017, ở Ngọc Lũ có tới 1.600 hộ chăn nuôi, giờ chỉ còn khoảng 300 hộ. Dù giảm, nhưng chăn nuôi vẫn là nghiệp lớn của nhiều gia đình. Nhờ có chăn nuôi mà đời sống của đa số hộ dân Ngọc Lũ khấm khá hơn… Năm nay, chăn nuôi giảm, ô nhiễm môi trường giảm, Ngọc Lũ phấn đấu về đích nông thôn mới.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy