UBND tỉnh tổng kết các đề án phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2017-2020

Chiều 5/11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị Tổng kết thực hiện các đề án phát triển sản xuất lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2017-2020. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh có chủ trương và ban hành quyết định triển thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, Đề án phát triển sản xuất các khu nuôi trồng thủy sản tập trung và Đề án phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, các đề án được triển khai đồng bộ, với nhiều giải pháp, đạt được  kết quả tích cực. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ban hành cơ chế hỗ trợ thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở các khu nuôi trồng thủy sản tập trung (NTTSTT).

Sở NN&PTNT và các địa phương tăng cường công tác phối hợp triển khai thực hiện các đề án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung; thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh cho đàn bò sữa, bò thịt, bò sinh sản; từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hộ chăn nuôi đầu tư phát triển sản xuất. 

UBND tỉnh tổng kết thực hiện các đề án phát triển sản xuất lĩnh vực chăn nuôi thủy sản giai đoạn 20172020
Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Mạnh Hùng

Giai đoạn này, đàn bò sữa phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, theo quy hoạch. Quy mô chăn nuôi bò sữa có bước chuyển mạnh mẽ. Toàn tỉnh quy hoạch 12 khu chăn nuôi bò sữa tập trung. Ước tính đến hết năm 2020, tổng đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh đạt 4.200 con, bằng 21% mục tiêu Đề án. Quy mô đàn bò thịt, bò sinh sản tăng đáng kể. Đến hết năm 2020, ước tính tổng đàn bò vàng trên địa bàn tỉnh đạt 29.000 con, bằng 80,6% mục tiêu Đề án, tốc độ tăng trưởng tổng đàn bình quân đạt 3,2%/năm. Toàn tỉnh có 6 khu quy hoạch chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung, đạt 30% so với kế hoạch. 

Sau 4 năm thực hiện, Đề án phát triển sản xuất các khu NTTSTT đã đem lại hiệu quả tích cực, hình thành 9 mô hình hợp tác xã kiểu mới, tạo điều kiện tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.  Doanh thu bình quân các thành viên của các hợp tác xã NTTSTT đạt từ 350-500 triệu đồng/ha.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các đề án còn nhiều tồn tại, hạn chế. Kết quả phát triển đàn bò sữa, bò sinh sản, bò thịt chưa đạt mục tiêu Đề án; công tác triển khai thực hiện quy hoạch chăn nuôi bò tại một số địa phương còn thiếu quyết liệt; công tác xử lý môi trường chăn nuôi chưa hiệu quả; trình độ kỹ thuật chăn nuôi của nhiều hộ dân còn hạn chế; liên kết sản xuất trong NTTSTT chưa chặt chẽ, việc mở rộng diện tích sản xuất của các HTX còn gặp nhiều khó khăn...

Sở NN&PTNT đã đề xuất những giải pháp phát triển tổng đàn bò sữa, bò thịt, bò sinh sản trong thời gian tới; mở rộng diện tích NTTSTT thâm canh. Phấn đấu đến năm 2025, mở rộng diện tích nuôi thâm canh tại các khu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh lên 500 ha; phát triển, duy trì  ổn định tổng đàn bò sữa đạt 5.000 con; phát triển tổng đàn bò thịt, bò sinh sản đạt 34.000 con.

UBND tỉnh tổng kết thực hiện các đề án phát triển sản xuất lĩnh vực chăn nuôi thủy sản giai đoạn 20172020
Đại diện các hộ chăn nuôi phát biểu ý kiến tại hội nghị

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương và đại diện các hộ chăn nuôi đã phát biểu ý kiến làm rõ những kết quả phát triển chăn nuôi trong thời gian qua, chỉ rõ những khó khăn và thách thức đối với phát triển chăn nuôi trong thời gian tới. Đại biểu đề xuất cần tính toán, đánh giá kỹ các yếu tố để đề ra các mục tiêu về phát triển tổng đàn bò thịt, bò sữa cho phù hợp với tình hình thực tế; đề nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ phòng chống dịch bệnh và cải tạo chất lượng đàn bò thịt, bò sinh sản, bò sữa. 

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đây là 3 đề án quan trọng, có tác động lớn và có nhiều đóng góp đến phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2017-2020. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành; sự cố gắng của các hộ, các HTX trực tiếp trong việc thực hiện các đề án. Trên cơ sở đánh giá những kết quả, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân trong việc thực hiện đề án thời gian qua để đề ra giải pháp thực hiện các đề án trong những năm tiếp theo. 

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm đến thực hiện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, hướng mạnh phát triển chăn nuôi tập trung và an toàn dịch bệnh; chú trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần trong quá trình thực hiện đề án, các hộ cần chủ động kinh phí để đầu tư phát triển chăn nuôi.

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.