UBND tỉnh nghe báo cáo dự thảo Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

Sáng 11/3, đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị nghe Sở NN&PTNT báo cáo dự thảo Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019-2020.

Đây là lần thứ 2, UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo về nội dung này. Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành, MTTQ tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

Đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Trương Minh Hiến nhấn mạnh: Cần thảo luận kỹ về nguyên tắc, quy mô chuyển đổi, cơ chế chính sách và phương pháp quản lý sau chuyển đổi. Kỳ vọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là rất lớn, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển, đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mạnh hơn. Vì vậy, rất cần vai trò tham mưu, đề xuất giải pháp quản lý, tổ chức thực hiện của UBND cấp huyện, thành phố và ngành chuyên môn về vấn đề này. Yêu cầu chung là khắc phục hạn chế, tìm hướng tổ chức thực hiện kế hoạch hiệu quả.

Giai đoạn 2010-2018, nông dân các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi tự phát cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đất màu, đất một lúa một màu, với tổng diện tích 1.405,7 ha và 888,5 ha đất lúa được chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, những mô hình chuyển đổi bước đầu cho hiệu quả cao hơn so với cây trồng cũ, khắc phục được tình trạng thiếu nước sản xuất. Tuy nhiên, do chuyển đổi tự phát nên diện tích manh mún, đầu tư nhỏ, chưa mang tính chất sản xuất hàng hóa, chất lượng sản phẩm thấp.

Theo dự thảo Kế hoạch, yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trong thời gian tới phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai và phù hợp với các quy hoạch khác; việc chuyển đổi phải gắn liền với ứng dụng tiến bộ KHKT mới, phát triển ổn định, bền vững có hiệu quả kinh tế cao; nghiêm cấm xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi dưới mọi hình thức, kể cả nhà tạm, nhà trông coi.

Theo đề xuất của Sở NN&PTNT về định hướng chuyển đổi đất lúa giai đoạn 2019-2020 cụ thể như sau: Tùy vào điều kiện đất đai, lợi thế, vị trí địa lý, trình độ thâm canh cụ thể của nông dân từng địa phương , UBND các huyện, thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch chuyển đổi đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng diện tích bổ sung quy hoạch đề nghị chuyển đổi mới sang trồng cây ăn quả, cây hàng năm khoảng 698 ha; chuyển đổi mới sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản khoảng 1.610 ha.

Giải pháp thực hiện, rà soát xác định vị trí xây dựng kế hoạch chuyển đổi, xác định loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; thống nhất lựa chọn hình thức sản xuất lúa- cá hoặc chuyên cá trên các diện tích chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân Nguyễn Thành Thăng phát biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng cần tính toán, xem xét kỹ về định lượng quy mô diện tích đất được phép chuyển đổi ở những vùng không tập trung. Vì thực tế, có nhiều diện tích không đủ 3 ha, sản xuất lúa kém hiệu quả, nếu không cho phép chuyển đổi sẽ gây lãng phí trong sử dụng đất. Nên có hướng dẫn cụ thể về cách thức chuyển đổi, có cơ chế hỗ trợ xây dựng hạ tầng khung (đường giao thông, hệ thống tiêu thoát nước) cho vùng chuyển đổi tập trung và quy định rõ về việc có cho phép hoặc không cho phép người dân cải tạo cốt đất. Ở những vùng được phép chuyển đổi có thể cho phép xây dựng mô hình sản xuất mới để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn…

Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Minh Hiến, thống nhất: Cần làm rõ căn cứ để xây dựng kế hoạch. Về nguyên tắc chuyển đổi cũng phải căn cứ vào hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về chuyển đổi đất lúa. Kế hoạch này cho phép nông dân có nhu cầu chuyển đổi đất lúa sang trồng cây khác, nhưng khi phải chuyển đổi lại sang trồng lúa sẽ không được đền bù; còn việc thu hồi đất, dành đất cho các dự án phi nông nghiệp thực hiện theo cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng.

Ở những vị trí đặc biệt, đất xen kẹp, không có khả năng cấy lúa, hoặc phải đầu tư mới có thể cấy lúa cần có hướng mở. UBND cấp huyện có trách nhiệm thẩm định trực tiếp để xử lý. Trước mắt, cần rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp tạo thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch. Ngành nông nghiệp cần làm rõ hiệu quả kinh tế, xã hội của kế hoạch chuyển đổi đất lúa. Tinh thần là đứng trên lợi ích của người dân và chống việc lợi dụng chính sách chuyển đổi để vi phạm quy định về sử dụng đất như sản xuất đa canh.

Bích Huệ (ảnh: Mạnh Hùng)

Bích Huệ, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.