UBND tỉnh bàn các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp

Sáng 30/5, đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị nghe Sở NN&PTNT đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và giải quyết việc làm, hạn chế thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).

Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Minh Hiến khẳng định: DTLCP đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế. DTLCP ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi lợn và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chăn nuôi hiện chiếm 52% tỷ trọng nông nghiệp. Lợn chiếm khoảng 78% giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi.

Hội nghị tập trung bàn các giải pháp để khôi phục, phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, gia súc nhằm bù đắp một phần những thiệt hại do DTLCP gây ra; xác định cụ thể giải pháp, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp khống chế, làm chậm mức độ lây lan của dịch bệnh; khuyến khích chuyển đổi nuôi lợn sang nuôi gia cầm, thủy sản, bò thịt, bò sữa.

Đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Theo Sở NN&PTNT, tính đến ngày 28/5/2019, DTLCP đã xảy ra ở 5.422 hộ nuôi lợn tại 580 thôn, 108 xã, phường, thị trấn. Tổng số lợn mắc bệnh bị tiêu hủy hơn 73.150 con, tổng lượng khoảng 4.307 tấn. Tính sơ bộ, kinh phí hỗ trợ cho người dân bị tiêu hủy lợn đến thời điểm này khoảng 170 tỷ đồng.

Về tình hình phát triển chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2019, chăn nuôi trâu, bò phát triển chậm, trong đó, đàn bò sữa chỉ tăng 156 con. Duy có đàn gia cầm phát triển khá, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018. Xét về chỉ tiêu, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 1.733,4 tỷ đồng, bằng 100,4% so với cùng kỳ, đạt 49% kế hoạch.

Để thúc đẩy tăng trưởng chăn nuôi, thời gian tới, Sở NN&PTNT đề xuất tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống và ngăn chặn bệnh DTLCP, duy trì giữ tổng đàn lợn ở mức 250 ngàn con; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm, đạt tổng đàn 8 triệu con. Phát triển nhanh đàn gia súc ăn cỏ, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, mở rộng diện tích khai thác hiệu quả các hình thức mặt nước nhằm nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản…

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP. Các địa phương đã thực hiện đúng hướng dẫn về công tác kiểm tra, tiêu hủy lợn mắc bệnh. Một số huyện đã chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi từ chăn nuôi sang sản xuất kinh doanh lĩnh vực khác, đồng thời, tháo gỡ khó khăn phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa.

Tuy nhiên, việc tăng nhanh tổng đàn bò thịt, bò sữa trong một sớm, một chiều là khó thực hiện. Đại diện lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Hà Nam đã cam kết sẽ đồng hành cùng hộ chăn nuôi khắc phục khó khăn bằng các hình thức: khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại món vay.

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: DTLCP vẫn diễn biến phức tạp, tốc độ gia tăng lợn mắc bệnh từ trung tuần tháng tư đến nay rất lớn. Mặc dù, tỉnh và ngành NN, các địa phương đã quyết liệt triển khai các giải pháp khống chế dịch bệnh, song DTLCP vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng đối với chăn nuôi, giảm tăng trưởng nông nghiệp.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê chi tiết số liệu về số hộ, số lượng lợn đã tiêu hủy tính đến 29/5/2019. Yêu cầu, đánh giá đúng tình hình để đề ra các giải pháp tổng thể, cụ thể nhằm khắc phục thiệt hại do DTLCP gây ra. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và nhận thức đúng về dịch bệnh, theo phương châm: quyết tâm, quyết liệt, không chủ quan, không lơ là trong phòng, chống dịch, tuyên truyền để người dân không quay lưng lại với thịt lợn. Biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tốt nhất là phát triển chăn nuôi an toàn sinh học.

Kịp thời phát hiện và thực hiện nghiêm quy trình xử lý theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Khuyến cáo người dân không mở rộng, tái đàn khi chưa có khuyến cáo của cơ quan chức năng. Các địa phương quan tâm đến vấn đề quy hoạch vùng nuôi lợn sạch; sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện đảm bảo để tái đàn lợn khi đủ điều kiện; tuyên truyền vận động khuyến khích người dân chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia cầm, thủy cầm...

Về cơ chế, chính sách, UBND tỉnh đề nghị các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, NN&PTNT rà soát các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, bổ sung cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng; sớm triển khai ứng tiền hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do DTLCP với mức giá phù hợp. Chủ động phòng ngừa và xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng cơ chế chính sách để trục lợi.

Bích Huệ - Mạnh Hùng

Bích Huệ - Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy