Triển khai các biện pháp ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh

Mục tiêu chung là chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày 25/2/2019 UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Hà Nam như sau:

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh. Bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nhà), không gây bệnh cho các loài động vật khác. Bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người. Bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh; ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang vi rút.

Ngày 19/02/2019, Cục Thú y đã chính thức thông tin Việt Nam có 08 ổ dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại huyện Yên Mỹ, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên; tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình giáp ranh với tỉnh Hà Nam và ngày 23/2/2019 dịch phát sinh ổ dịch tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng; tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là trên 235 con.

Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Hà Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, nhất là tại các địa phương có chăn nuôi lợn với số lượng lớn, địa phương có nhiều khách du lịch đến từ các vùng có dịch bệnh là rất cao.

Mục tiêu chung là chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Kế hoạch hành động bao gồm các biện pháp cụ thể làm cơ sở để các sở, ngành liên quan và các đơn vị chủ động triển khai thực hiện. Các biện pháp cụ thể được xây dựng dựa trên 2 tình huống sau:

Tình huống 1: Chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hà Nam.

Tình huống 2: Phát hiện ổ bệnh dịch tả châu Phi tại tỉnh Hà Nam.

Giải pháp tổ chức thực hiện:

Khi chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi: Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung các khu vực mua gom chợ đầu mối, các cơ sở giết mổ, buôn bán các sản phẩm từ lợn… Tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi, người buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến động vật, sản phẩm động vật chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm…

Khi phát hiện ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi: Sở NN&PTNT báo cáo tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, các quy định cụ thể cho phù hợp với tình hình và diễn biến dịch bệnh; Chủ tịch UBND cấp huyện có bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện hoặc nằm trong vùng bị dịch uy hiếp, quyết định thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, điều hành các hoạt động tại địa phương; thành viên Ban chỉ đạo các cấp trực tiếp đến ngay các địa phương có dịch bệnh, có nguy cơ bị dịch bệnh uy hiếp để kiểm tra, đôn đốc và tổ chức các biện pháp chống dịch; trên cơ sở cơ sở bản kế hoạch này, UBND các huyện, thành phố xây dựng phê duyệt Kế hoạch của địa phương với các hoạt động cụ thể, tương ứng với các tình huống nêu trên; huy động toàn hệ thống chính trị của địa phương tham gia vào công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật: Khi chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi: Giải pháp về kiểm soát vận chuyển, kiểm dịch; giải pháp về quản lý chăn nuôi và an toàn sinh học; giải pháp về chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh; giải pháp về truyền thông nguy cơ. Khi phát hiện ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi: Giải pháp tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh dịch tả lợn châu Phi; giải pháp khoanh vùng ổ dịch; giải pháp dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn; giải pháp về quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch; giải pháp về chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh; giải pháp về truyền thông nguy cơ.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng xây dựng kế hoạch hành động cụ thể: Khi chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hà Nam; khi phát hiện ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hà Nam.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh là đầu mối điều phối, chỉ đạo các hoạt động ứng phó khẩn cấp trong toàn tỉnh theo bản kế hoạch này. Tùy theo tình hình thực tế và diễn biến của dịch, Ban chỉ đạo tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai các biện pháp bổ sung cho phù hợp.

P.V

P.V

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy