Tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Tổ chức sản xuất - thu nhập - hộ nghèo là tiêu chí thứ nhất trong bốn tiêu chí cần phải đạt được đối với xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Nhiều xã đã sớm đạt được tiêu chí này trước khi được công nhận xã NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, để tổ chức sản xuất hiệu quả, bền vững và thể hiện rõ tính kiểu mẫu, các xã rất cần sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách khuyến khích và tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất. 

Xây dựng xã NTM kiểu mẫu cần phải làm bật được tính kiểu mẫu, nên dù chỉ có 4 tiêu chí, nhưng yêu cầu tiêu chí xã NTM kiểu mẫu cao hơn nhiều so với xã NTM. Cụ thể như thu nhập bình quân theo đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã NTM kiểu mẫu phải cao hơn từ 1,5 lần so với thu nhập bình quân theo đầu người tại thời điểm được công nhận xã đạt chuẩn NTM; không có hộ nghèo, trừ các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định, hoặc do tai nạn rủi ro bất khả kháng, bệnh hiểm nghèo. Để đạt được tiêu chí này, các xã tập trung đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực gắn với tiêu thụ nông sản. 

Tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Chăm sóc dưa chuột bao tử xuất khẩu vụ đông xuân 2020-2021 tại HTXDVNN Tân Lý, xã Chân Lý (Lý Nhân). Ảnh: Mạnh Hùng

Xã An Đổ (Bình Lục) đã được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2020. Để hoàn thành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, Đảng ủy, UBND xã An Đổ đã làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, gắn với quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất. An Đổ hiện có 5 vùng trồng lúa, với tổng diện tích 180 ha. Nông dân trồng lúa được các HTX hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó, giá trị hạt thóc tăng lên hơn 1,3 lần so với sản xuất đại trà ngoài mô hình, ở cùng thời điểm. Các HTX trên địa bàn xã còn tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường liên kết, sản xuất theo hướng an toàn, tổ chức thực hiện mô hình mạ khay, máy cấy góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho nông dân. Để làm bật được tính kiểu mẫu trong xây dựng NTM, chủ trương của An Đổ là tiếp tục đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với bao tiêu sản phẩm; duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Bên cạnh đó, xã An Đổ tiếp tục duy trì ngành nghề nông thôn như: nghề rũa cưa, làm nón lá, mộc, nề, cơ khí… tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa phương. Lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở xã chiếm tỷ lệ 30,1%, lao động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm  tỷ lệ 26,9%. Số lao động qua đào tạo đạt 70,5%; số lao động có việc làm thường xuyên có hơn 4.800 người.  Từ thực tiễn ở An Đổ cho thấy, tổ chức sản xuất chính là yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Năm 2020, thu nhập bình quân theo đầu người ở An Đổ đạt 77,3 triệu đồng, đạt yêu cầu tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. 

Trong những năm trở lại đây, cơ cấu các ngành kinh tế ở nhiều xã đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành kinh tế phi nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng. Trong điều kiện đó, để có một NTM phát triển ổn định, không còn cách nào khác vẫn phải đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường, trong đó chú trọng đầu tư các sản phẩm chủ lực, trọng điểm, có thế mạnh. Đồng thời, khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, bền vững; tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là công nghệ cao gắn với thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Mộc Bắc là xã đầu tiên của thị xã Duy Tiên được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Xã Mộc Bắc đã và đang khai thác tốt lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp. Mộc Bắc đã quy hoạch vùng chăn nuôi bò sữa tâp trung, đồng thời, dành quỹ đất hỗ trợ nông dân trồng cây làm thức ăn cho chăn nuôi; liên kết chặt chẽ với các công ty hỗ trợ chuyển giao kĩ thuật chăn nuôi bò sữa, thu mua sữa bò tươi. Đến nay, Mộc Bắc hình thành vùng chăn nuôi bò sữa tập trung lớn nhất tỉnh, với tổng diện tích 119,4 ha, với quy mô tổng đàn trên 2.000 con; trong đó, có nhiều hộ chăn nuôi bò sữa quy mô trên 30 con/trại.  

Mộc Bắc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất trên vùng đất bãi, đất lúa, với các loại cây cam, bưởi, chuối... Nông dân xã Mộc Bắc thực hiện liên kết thành công mô hình sản xuất, trong đó có mô hình sản xuất lúa ADJ30 (diện tích 31 ha), lúa VNR20 (diện tích 30 ha), mô hình trồng húng quế, bạc hà (diện tích 187,1 ha), ngô nếp HN88, ngô lai VS 36… Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích ở xã đạt bình quân 200 triệu đồng/ha. Năm 2020, bình quân thu nhập theo đầu người ở Mộc Bắc vượt con số 77 triệu đồng.  

Theo đánh giá của lãnh đạo một số xã, thực hiện tiêu chí về tổ chức sản xuất - thu nhập - hộ nghèo đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, là yếu tố tác động trực tiếp đến việc nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Nếu tổ chức sản xuất tốt thì sẽ phát huy được hiệu quả, tổ chức sản xuất không phù hợp có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, như: nông dân bỏ ruộng, không sản xuất; lãng phí tài nguyên đất; lao động thiếu việc làm, tỷ lệ hộ nghèo tăng và bất ổn về mặt an sinh xã hội…

Xây dựng xã NTM kiểu mẫu đòi hỏi không chỉ là quy hoạch được các vùng sản xuất, tạo được sản phẩm chủ lực, mà còn phải tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu… Đây là thách thức rất lớn đối với nhiều địa phương. Do đó, việc chuyển đổi sản xuất buộc các địa phương phải tính kế lâu dài, bền vững và thuận cho tổ chức thực hiện chủ trương, chương trình, đề án của tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới, như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ông Lương Mạnh Thể, Giám đốc HTXDVNN Mộc Nam (Duy Tiên) cho biết: Mộc Nam đã có vùng chăn nuôi thủy sản tập trung và vùng sản xuất lúa hàng hóa, khó ở chỗ, hạ tầng đã xuống cấp và không đáp ứng được yêu cầu sản xuất. HTX rất cần vốn hỗ trợ để nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Do quy định về việc sử dụng đất lúa nên nhiều chủ mô hình sản xuất cây ăn quả trên diện tích chuyển đổi từ đất lúa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong cải tạo hạ tầng sản xuất.  Khâu liên kết sản xuất đã hình thành, nhưng do quy mô diện tích, mô hình sản xuất còn nhỏ, khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường hạn chế nên liên kết sản xuất trong nông nghiệp thiếu chắc chắn, bền vững. Những yếu tố trên đã và đang khiến cho việc tổ chức sản xuất ở nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện yêu cầu tiêu chí tổ chức sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng NTM kiểu mẫu.

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy