Tỉnh ủy tổ chức nói chuyện chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Sáng 24/6, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị nghe Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói chuyện chuyên đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), thời cơ và thách thức; một số nhiệm vụ, giải pháp chủ động tham gia CMCN 4.0 theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 (Nghị quyết số 52) của Bộ Chính trị. 

Tỉnh ủy tổ chức nói chuyện chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp 40
Các đại biểu dự hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; trưởng, phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị-xã hội tỉnh, thường trực các huyện ủy, thị ủy, thành ủy....

Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển trình bày, trao đổi 2 vấn đề chính: Nội dung cơ bản của Nghị quyết số 52; việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 52 tại Hà Nam. Về nội dung của Nghị quyết số 52, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh nhận định của Đảng: CMCN 4.0 là xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa – xã hội; quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia. Dự báo, đến năm 2030, CMCN 4.0 có thể thúc đẩy mức tăng trưởng GDP là 7-16% so với mức cơ sở; khu vực hành chính công sẽ tiết kiệm được 0,6 tỷ USD. Nếu chuyển đổi số thành công, GDP đến năm 2045 của Việt Nam dự báo có thể tăng thêm 168,6 tỷ USD, bình quân tác động đến tăng trưởng GDP hàng năm là 1,1%. 
Nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á… 

Tỉnh ủy tổ chức nói chuyện chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp 40
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trao đổi về triển khai thực hiện Nghị quyết số 52 tại Hà Nam.

Báo cáo của Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển cũng nêu rõ, để chủ động tham gia CMCN 4.0, cần tập trung vào 8 nhóm chủ trương, chính sách: Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; hoàn thiện thể chế  và quá trình chuyển đổi số quốc gia; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo quốc gia; phát triển nguồn nhân lực; phát triển các ngành, công nghệ ưu tiên; hội nhập quốc tế; thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội.  
Trao đổi về việc thực hiện Nghị quyết số 52 tại Hà Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển cũng đã phân tích những mặt thuận lợi, khó khăn của Hà Nam trong thực hiện CMCN 4.0 và nhấn mạnh rằng: Hà Nam cần xác định rõ các nhiệm vụ then chốt trong thực hiện CMCN 4.0 là: Xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; phát triển kinh tế số; hình thành và phát triển đô thị thông minh. Thực hiện những nhiệm vụ này, trong thời gian qua, Hà Nam đã sớm ban hành các văn bản về triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thiết lập cổng dịch vụ công, hệ thống phần mềm một cửa điện tử; triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước; triển khai hệ thống email công vụ; ban hành một số chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa theo hướng hiện đại. Cùng đó, tỉnh Hà Nam cũng đã khởi động triển khai các nhiệm vụ phát triển đô thị thông minh… 

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ then chốt trong CMCN 4.0, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển khuyến nghị: Hà Nam cần đơn giản hóa dịch vụ công trực tuyến, tích cực tuyên truyền, phổ biến, lấy đội ngũ cán bộ cấp cơ sở làm tiên phong; xây dựng cơ sở dữ liệu số; hoàn thiện các quy trình, thủ tục hành chính phù hợp với hoạt động của chính quyền số, cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp. Bên cạnh đó, Hà Nam cũng cần tạo được môi trường, pháp lý tốt nhất cho ứng dụng công nghệ thông tin điện tử phát triển, khuyến khích các mô hình kinh tế mới; tăng cường hơn nữa khả năng hoạt động trong môi trường điện tử của doanh nghiệp trong tỉnh; phát triển hạ tầng số, Chính phủ số, kết nối số để tạo tiền đề cho phát triển đô thị thông minh. Đặc biệt, Hà Nam có lợi thế về giao thông, vị trí địa lý với nhiều khu công nghiệp đang phát triển, thu hút đầu tư hiệu quả. Theo đó, Hà Nam cần thực hiện triển khai thí điểm một số giải pháp trong lĩnh vực quy hoạch quản lý đô thị, hướng tới hình thành, phát triển đô thị thông minh…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.