Tích cực chuyển đổi sang phương thức chăn nuôi tập trung

Để chăn nuôi ổn định và phát triển, các địa phương trong tỉnh đều đang tích cực chuyển đổi phương thức theo hướng trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, theo vùng và theo quy hoạch

Chăn nuôi được xác định là hướng đi chủ lực góp phần quan trọng vào giá trị và tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh. Mặc dù, năm 2022 chăn nuôi của tỉnh gặp khó khăn về nhiều mặt, song tổng đàn vật nuôi vẫn bảo đảm duy trì, giữ vững, trong đó, đàn lợn gần 370 nghìn con; trâu, bò (gồm cả bò sữa) khoảng 37 nghìn con; đàn gia cầm 8,9 triệu con…  Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 96,5 nghìn tấn.

Tích cực chuyển đổi sang phương thức chăn nuôi tập trung
Trang trại chăn nuôi gà đẻ quy mô tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Liêm Phong (Thanh Liêm).

Một trong những khó khăn lớn nhất là giá thức ăn chăn nuôi các loại đều tăng đến trên 30% so với năm trước, kéo theo chi phí và giá thành sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, giá bán các loại gia súc, gia cầm đều trong tình trạng thiếu ổn định và đi xuống. Cụ thể, giá lợn hơi xuất chuồng từ khoảng tháng 9 – 10/2022 đã giảm xuống chỉ còn xung quanh 50 nghìn đồng/kg, duy trì đến cuối năm. Giá bán xuống thấp, người nuôi lợn chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ nếu phải nhập con giống giá cao (trên 1 triệu đồng/con ở giai đoạn nhập đàn). Với gia cầm, dịp cuối năm phần lớn đều giảm giá, như: vịt, gà trắng nuôi công nghiệp trong hệ thống chuồng kín. Ngay bò thịt vốn ít bị biến động về giá cũng đã giảm một phần so với trước…

Do vậy, để chăn nuôi ổn định và phát triển, các địa phương trong tỉnh đều đang tích cực chuyển đổi phương thức theo hướng trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, theo vùng và theo quy hoạch.

Cụ thể, với chăn nuôi lợn vốn được người dân phát triển khá mạnh trong nông hộ, nay đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 30% so với trước. Thay vào đó, đàn lợn được chuyển sang nuôi theo hướng tập trung quy mô trang trại. Các trang trại đều được áp dụng quy trình nuôi khép kín, phát triển đàn lợn nái sản xuất con giống để nuôi lợn thịt. Hướng chăn nuôi này giúp chủ động, giảm chi phí đầu tư giống, quản lý tốt môi trường, dịch bệnh.

Đàn gia cầm, thủy cầm cũng chủ yếu được nuôi quy mô tập trung, hạn chế tối đa nuôi nhỏ lẻ tại hộ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục trang trại chăn nuôi từ 5 – 7 nghìn con gia cầm/lứa trở lên. Đặc biệt, bò thịt đang được khuyến khích phát triển mạnh tại những khu chăn nuôi tập trung do ít biến động giá cả và hạn chế dịch bệnh; chuyển mạnh sang cải tạo giống bò 3B (BBB) cho sản lượng thịt cao, gấp hơn 3 lần bò vàng bản địa. Chỉ tính riêng huyện Bình Lục hiện nay có 4 Khu chăn nuôi bò thịt tập trung. Trong đó 2 khu nuôi quy mô từ 500 – 1.000 con bò thịt tại 2 xã Đồn Xá và An Đổ. Bò thịt được nuôi tại các khu tập trung cơ bản là giống 3B. Có trang trại đã cải tạo tốt đàn bò nái sản xuất giống bò 3B để nuôi bò thịt. Theo người chăn nuôi trong tỉnh, chuyển đổi phương thức sang chăn nuôi tập trung, chuyên nghiệp hóa giúp ổn định và đứng vững trước khó khăn về chi phí đầu vào và giá bán sản phẩm bấp bênh. Trong điều kiện hiện nay, nếu chăn nuôi quy mô nhỏ nguy cơ thua lỗ rất cao…

Tích cực chuyển đổi sang phương thức chăn nuôi tập trung
Chăn nuôi bò thịt giống 3B tại Khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung tại xã Đồn Xá (Bình Lục). Ảnh M Hùng

Được biết, để thúc đẩy phát triển chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Đó là, tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực chăn nuôi, thú y; xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh động vật phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương; tích cực hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật. Cụ thể, hướng dẫn chuẩn bị chuồng trại, bảo đảm sau khi xuất bán động vật phải tiến hành vệ sinh sạch sẽ, khơi thông cống rãnh, xử lý chất thải; sử dụng các loại hóa chất, vôi bột khử trùng tiêu độc chuồng trại, dụng cụ và khu vực xung quanh; bảo dưỡng, sửa chữa chuồng trại bảo đảm ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Việc nhập con giống gia súc, gia cầm về tái đàn cần lựa chọn những cơ sở uy tín, bảo đảm chất lượng, an toàn dịch bệnh; con giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định. Quá trình chăm sóc vật nuôi non cần chú ý sưởi ấm, cung cấp khẩu phần thức ăn, nước uống sạch, đầy đủ dinh dưỡng theo lứa tuổi. Nhất là chú ý đến thời điểm giao mùa thời tiết thay đổi đột ngột cần bổ sung chất điện giải, vitamin, men tiêu hóa giúp nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Người dân chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi bằng các loại vắc-xin theo đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Trao đổi về phát triển chăn nuôi trong điều kiện hiện nay, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để phát triển chăn nuôi ổn định, hiệu quả, hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần bình tĩnh, nhạy bén khi tái đàn. Trước hết, tìm hiểu kỹ thông tin, tín hiệu của thị trường để chủ động có kế hoạch sản xuất; không tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi ồ ạt dẫn đến nguồn cung vượt quá nhu cầu thị trường. Dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, nhất là các loại dịch nguy hiểm trên đàn vật nuôi (dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc, dịch tả lợn châu Phi…). Người dân lưu ý đến những cơ sở, vùng chăn nuôi đã xảy ra dịch bệnh thời gian trước đó cần cẩn trọng trong việc nhập đàn mới về nuôi…

Việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi sau 1 năm gặp khó nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, hiệu quả; đồng thời góp phần để các địa phương thực hiện tiêu chí chăn nuôi trong xây dựng nông thôn mới. Theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới hiện nay, các xã phải có trên 80% cơ sở chăn nuôi bảo đảm quy định về vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường. Với những giải pháp đã đề ra, tin rằng chăn nuôi của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ từng bước khắc phục khó khăn, bảo đảm ổn định, phát triển.      

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy