Thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Hà Nam là một trong 9 tỉnh, thành phố ghi nhận có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tính đến 6/3/2019. DTLCP đang có nguy cơ bùng phát cao, trong khi chưa có vắc - xin và thuốc điều trị bệnh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn ngừa xâm nhiễm và chống bệnh DTLCP.

Quyết liệt ngăn ngừa dịch bệnh lây lan

Đến ngày 5/3/2019, trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện 2 ổ DTLCP tại 1 hộ chăn nuôi ở xã Văn Xá (Kim Bảng) và 3 hộ ở xã Liêm Phong (Thanh Liêm). Khoanh vùng, khống chế dịch, cơ quan chức năng đã phối hợp với các hộ chăn nuôi tiêu hủy 313 con lợn nhiễm bệnh gồm: xã Văn Xá 15 con, xã Liêm Phong 298 con. Đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp chống dịch.

Phun thuốc khử trùng tiêu độc tại điểm chôn hủy lợn bị nhiễm bệnh DTLCP  tại xã Liêm Phong (Thanh Liêm).

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y Vùng I đối với mẫu bệnh phẩm tại xã Liêm Phong có vi rút gây bệnh DTLCP, UBND huyện Thanh Liêm đã tổ chức họp khẩn cấp, triển khai các biện pháp chống dịch. Nhận và cấp 510 lít thuốc sát trùng để tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng địa bàn xã Liêm Phong và các xã giáp ranh; thành lập 2 chốt kiểm dịch tại đầu đường và cuối đường vào vùng dịch. Thanh Liêm đã hoàn thành việc tiêu hủy 298 con lợn bị nhiễm bệnh ngay trong ngày 4/3/2019; tiếp tục lấy một số mẫu huyết thanh, mẫu cám, mẫu phủ tạng lợn của 3 hộ chăn nuôi tại thôn Hoàng Mai Yên, Nguyễn Trung gửi xét nghiệm. Tinh thần của Thanh Liêm là khẩn trương và quyết liệt trong khống chế và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Ghi nhận của chúng tôi tại vùng dịch trong những ngày qua cho thấy, nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động mua vôi bột rắc xung quanh khu vực chăn nuôi và những tuyến đường dẫn vào vùng dịch… Chuồng trại chăn nuôi sau khi tiêu hủy lợn được căng bạt kín xung quanh, ngăn ngừa virút DTLCP phát tán. Các địa phương hiện đang duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch, ngăn chặn vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra vào vùng dịch, thực hiện yêu cầu phun thuốc khử trùng tiêu độc đối với tất cả các phương tiện giao thông ra, vào vùng dịch. 

Không chỉ Thanh Liêm và Kim Bảng quyết liệt trong phòng chống DTLCP, những ngày qua, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các xã có tổng đàn lợn lớn cũng đang nỗ lực phòng, chống DTLCP. Ông Trần Đình Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ (Bình Lục) cho biết: Dù tổng đàn lợn của Ngọc Lũ hiện đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn rất lớn khoảng 25.000 con. Trước tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, xã chủ động thực hiện các biện pháp chống dịch.

Mục tiêu quan trọng nhất là không để dịch bệnh lây lan vào đàn lợn trên địa bàn xã. Chính quyền xã đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống DTLCP, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đến các thôn, đội sản xuất. Ngọc Lũ đã nhận hơn 200 lít thuốc khử trùng, phun tiêu độc khu vực chuồng trại chăn nuôi, môi trường xung quanh; đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến cáo các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã không nhập lợn mới, tái đàn trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là không mua lợn từ nơi khác về. Ngọc Lũ đã thành lập 2 chốt kiểm soát tạm thời trên trục đường chính vào địa bàn xã, hoạt động dưới sự kiểm soát của lực lượng công an, thú y xã, trực 24/24 giờ.

Là địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất so với các huyện khác trong tỉnh, Bình Lục nhận thức rõ nguy cơ xâm nhiễm và thiệt hại kinh tế khi DTLCP xuất hiện trên địa bàn. Bởi vậy, UBND huyện Bình Lục đã họp và giao nhiệm vụ trực tiếp cho chủ tịch UBND các xã, thị trấn tăng cường và sát sao trong việc chỉ đạo kiểm tra, giám sát dịch trên địa bàn. Toàn bộ lượng hóa chất được tỉnh cấp, huyện đã giao xuống cho các xã theo đúng yêu cầu. UBND huyện đã yêu cầu Ban quản lý chợ đầu mối gia súc, gia cầm Bối Cầu tăng cường công tác giám sát DTLCP. Tất cả xe vận chuyển ra, vào chợ phải được phun hóa chất khử trùng tiêu độc; cán bộ kiểm dịch tại chợ tăng cường giám sát, không để xảy ra hoạt động mua bán lợn ốm tại chợ. Khi phát hiện lợn bệnh, đơn vị quản lý chợ phải báo ngay cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Ông Đặng Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục khẳng định: Bình Lục đang cố gắng, quyết liệt kiểm soát và ngăn chặn DTLCP.

[Xem thêm] 

>>> Các hộ chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

>>> Cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp

DTLCP không lây sang người, nhưng gây thiệt hại lớn về kinh tế nếu lợn nhiễm bệnh. Tại hội nghị trực tuyến do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 4/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Nguy cơ lây nhiễm DTLCP là rất cao. Con đường lây truyền dịch bệnh đa dạng, thậm chí có ổ dịch chưa xác định rõ đường lây nhiễm. Nguy cơ phát sinh dịch không chỉ ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà đối với cả các hộ chăn nuôi lớn. DTLCP lây rất nhanh từ nước này qua nước khác. Nguyên nhân dịch lây lan chủ yếu do phương tiện vận chuyển không được phun khử trùng tiêu độc; các hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa có vi rút bệnh; vận chuyển lợn sống và các sản phẩm lợn giữa các vùng…

Ở tỉnh ta, phần lớn các hộ dân chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, mật độ chăn nuôi cao. Các hộ chăn nuôi khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến nguy cơ lây lan bệnh ở mức cao. Bệnh DTLCP không lây nhiễm và gây bệnh ở người nên khó tránh khỏi tình trạng các hộ chăn nuôi lợn vì lợi ích kinh tế trước mắt mà không kịp thời khai báo với cơ quan chức năng về tình hình lợn ốm, chết, vẫn bán lợn cho các thương lái.

Tính đến nay, chưa có ổ DTLCP nào ở các tỉnh, thành phố trong cả nước qua 30 ngày. Vì vậy, không thể nói việc khống chế các ổ dịch đã thành công, nguy cơ xâm nhiễm vẫn rất lớn. Bộ NN&PTNT cho rằng, vấn đề quan trọng đặt ra trong lúc này chính là phải áp dụng tổng thể các giải pháp chống dịch. Trong đó, tinh thần chủ động, hợp tác tích cực của các hộ chăn nuôi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Để khuyến khích các hộ chăn nuôi tích cực phối hợp trong phòng, chống dịch, cần công khai và áp dụng minh bạch cơ chế hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh theo quy định. Đây có thể coi là động lực quan trọng để người dân không giấu dịch, ngăn ngừa tình trạng người chăn nuôi tự tiêu hủy hoặc bán lợn ốm cho thương lái.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống bệnh DTLCP, Sở NN&PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các biện pháp chống dịch. Theo đó, các địa phương cần kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 442 của UBND tỉnh về triển khai các biện pháp ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với DTLCP xâm nhập vào địa bàn.

Tinh thần chung là huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tổ chức ngăn chặn, khống chế DTLCP; siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn; tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, phát hiện sớm; lấy mẫu giám sát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ dân hiểu rõ nguy hiểm của DTLCP, không tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn, thực hiện tốt “5 không” theo quy định của Luật Thú y; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, không thực hiện các biện pháp khống chế dịch để dịch bệnh lây lan. Trong lúc này, các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện yêu cầu và kế hoạch Tháng khử trùng tiêu độc. Hiện, tổng lượng hóa chất đã cấp cho các địa phương 4.000 lít (không tính lượng hóa chất cấp cho vùng dịch).

Hy vọng, với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị sẽ sớm khống chế DTLCP, góp phần giảm thiệt hại về kinh tế, ổn định tình hình phát triển chăn nuôi.

Bích Huệ - Mạnh Hùng

Bích Huệ - Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy