Thúc đẩy thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản

Dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa là cách tốt nhất để minh bạch thông tin, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Ở Hà Nam, một số mặt hàng nông sản đã được dán tem truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên, số lượng chưa nhiều so với các sản phẩm hiện có.

Ông Trương Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) cho rằng: Vấn đề cốt lõi nằm ở nhận thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng. Khi nào nhận thức về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nâng cao, trở thành một yêu cầu bắt buộc, thì khi đó, vấn đề này sẽ được thực hiện hiệu quả hơn, trở thành hàng rào kỹ thuật bảo hộ sản phẩm.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa Mục Đồng (xã Trác Văn, Duy Tiên) tại cửa hàng nông sản sạch Green Food, thành phố Phủ Lý. Ảnh: Mạnh Hùng

Trong những năm gần đây, xu hướng lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi, nhất là đối với hàng hóa thực phẩm. Khách hàng ngày càng đòi hỏi, lựa chọn khắt khe về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Trong bất cứ trường hợp nào, việc sử dụng hàng hóa có đầy đủ tem nhãn truy xuất nguồn gốc luôn là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng. 

Chị Lê Hải Bình ở phường Lương Khánh Thiện (thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Khi bỏ tiền ra mua bất kỳ một sản phẩm nào, khách hàng đều mong muốn hàng hóa đó phải bảo đảm chất lượng như nhà sản xuất cam kết. Tôi không mong được mua hàng giá rẻ, vì “tiền nào của đó”. Tôi chỉ muốn nhà sản xuất phải minh bạch thông tin để khách hàng biết rõ hàng hóa mình mua do ai sản xuất, thành phần, hạn sử dụng đến đâu, tránh tình trạng mua phải hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng…

Nhận định về mặt hàng nông sản, chị Hải Bình đánh giá Hà Nam có nhiều sản phẩm chất lượng tốt, như: ổi, cam và nhiều loại rau, củ, quả. Nhưng hạn chế ở chỗ, nhiều sản phẩm không được dán tem truy xuất nguồn gốc nên khách hàng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn và không an toàn.

Bà Phạm Thị Hiên là một trong nhiều hộ nông dân xã Thanh Sơn (Kim Bảng) đang tham gia Dự án xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cho hộ sản xuất nhỏ tại Hà Nam. Hiểu rõ tầm quan trọng của việc sản xuất rau an toàn, nhưng cũng như nhiều hộ nông dân khác trong nhóm, bà Hiên vẫn sản xuất theo kiểu có gì làm đó, chưa chú trọng đến dán tem nhãn cho sản phẩm. Vì không có tem truy xuất nguồn gốc nên bà Hiên không đưa được rau an toàn vào chuỗi các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, mà bán chủ yếu tại chợ Quế (thị trấn Quế, Kim Bảng).

Rõ ràng khi người tiêu dùng đòi hỏi và sẵn sàng chi tiêu cho những sản phẩm an toàn, chất lượng, các nhà sản xuất cũng phải nắm bắt và đáp ứng được sự đòi hỏi này. Năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1733/KH-UBND về Hỗ trợ xây dựng logo nhãn hiệu và in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam năm 2018-2019 nhằm thúc đẩy việc hoàn thiện quy trình sản xuất, chuẩn hóa thông tin trong tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh cho các mặt hàng nông sản. 

Theo Kế hoạch số 1733, chủ mô hình sản xuất dưa lưới, hoa công nghệ cao, chủ mô hình liên kết sản xuất rau, củ, quả, nấm, hoa có quy mô sản xuất từ 5 ha trở lên sẽ được hỗ trợ kinh phí mua máy in tem và nguyên vật liệu đi kèm. Ngoài ra, chủ mô hình liên kết sản xuất rau, củ, quả đáp ứng tiêu chí về quy mô theo quy định còn được hỗ trợ mua mã xác thực truy xuất nguồn gốc sản phẩm  trong vòng 6 tháng- kể từ ngày kích hoạt trên hệ thống, hoặc 10.000 sản phẩm/mô hình; quy mô nhỏ hơn (từ 3-5 ha) được hỗ trợ trong thời gian 6 tháng hoặc 6.000 sản phẩm/mô hình… 

Tính đến thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp đã được hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng tem QR code để nhận diện sản phẩm, như: Công ty TNHH An Phú Hưng, Trang trại Mục Đồng, Cửa hàng thực phẩm sạch Green Food, Công ty cổ phần sữa Hà Nam...

Mặc dù cơ chế khuyến khích thúc đẩy thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản đã có, nhưng nhiều hộ nông dân không đủ điều kiện để được hưởng cơ chế hỗ trợ này do không bảo đảm được quy mô về diện tích sản xuất theo quy định. 

Cũng phải nói thêm rằng, không ít cơ sở sản xuất  và người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thế nên, không được hưởng cơ chế hỗ trợ, người sản xuất không chủ động dán tem truy xuất, người tiêu dùng có phần còn dễ dãi trong lựa chọn hàng hóa, do đó những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Đó cũng là lý do vì sao tỷ lệ các sản phẩm nông sản an toàn sản xuất tại tỉnh có tem truy xuất nguồn gốc còn quá thấp so với tổng sản phẩm sản xuất ra và phân phối trên thị trường hiện nay. Một trong các yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động này đó là việc triển khai xây dựng và thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản mang tính độc lập, tự phát.

Ông Trương Quốc Hưng cho biết thêm: Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm hàng hóa đang trở thành xu thế tất yếu, là yêu cầu bắt buộc. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu cung cấp thông tin về sản phẩm cho khách hàng nên cần được tiến hành ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng. 

Theo Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ NN&PTNT, nguyên tắc truy xuất một bước trước – một bước sau, đó là cơ sở phải lưu giữ thông tin để bảo đảm khả năng nhận diện được cơ sở sản xuất, kinh doanh, các công đoạn sản xuất, chế biến và phân phối đối với một sản phẩm được truy xuất.

Sản phẩm đậu đũa của HTX nông sản sạch Bảo An được sản xuất cung cấp cho hệ thống siêu thị Vinmart. Ảnh: Mộc Nam

Dựa trên nguyên tắc đó, các nhà quản lý đã xây dựng bộ quy định, quy chuẩn để triển khai thực hiện hệ thống mã hóa trên cả nước để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, gắn với tem truy xuất. Tuy nhiên, đã có tình trạng một số doanh nghiệp tự làm tem rồi công bố thông tin không có tổ chức nào hợp pháp và uy tín chứng nhận nên độ tin cậy không cao. Để người tiêu dùng tin tưởng hơn vào truy xuất nguồn gốc, cần có một đơn vị thẩm quyền hợp pháp kiểm định và chứng nhận quá trình sản xuất kinh doanh của nhà sản xuất doanh nghiệp, giám sát, điều tra xuyên suốt quá trình hoạt động.

Hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm nói chung và nông sản nói riêng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm; bảo vệ lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng; thúc đẩy việc hình thành và phát triển thương hiệu sản phẩm... Rõ ràng, ngoài cơ chế đã có, việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yếu tố quan trọng để bảo vệ hàng hóa và lợi ích cho người tiêu dùng. 

Bích Huệ

Bích Huệ, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy