Tháo gỡ vướng mắc để khuyến khích các tổ chức nông dân đầu tư vào nông nghiệp

Làn sóng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, các tổ chức nông dân (nông dân, HTX, tổ hợp tác) - chủ thể quan trọng của sản xuất nông nghiệp dường như vẫn đứng bên lề xu thế này. Có phải do vai trò, vị trí của họ chưa được coi trọng xứng tầm hay những khó khăn trong đầu tư chưa được quan tâm tháo gỡ?

Thu hoạch nấm linh chi tại cơ sở sản xuất của gia đình anh Ngô Phú Tuyến, thôn Thượng, xã Trịnh Xá (thành phố Phủ Lý).

Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Xá (TP. Phủ Lý) Phạm Hồng Dũng chia sẻ: Chúng tôi luôn mong muốn có một doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp ở xã. Dù doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi hay trồng trọt đều được chào đón. Đã có một số doanh nghiệp về xã khảo sát thực tế, tìm hiểu chính sách đầu tư nhưng không trở lại. Nhiều năm nay, chính quyền xã Trịnh Xá nỗ lực tìm giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp mà vẫn chưa được. Thế nhưng, nông dân trong xã muốn đầu tư thì lại gặp phải những rào cản.

Anh Ngô Phú Tuyến, chủ cơ sở sản xuất nấm ở thôn Thượng (Trịnh Xá) muốn đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, với quy mô hơn 10 mẫu. Năm 2017, anh Tuyến đi khảo sát nhu cầu thị trường và thấy đầu ra cho rau an toàn khá thuận lợi, nhưng anh Tuyến lại gặp phải khó khăn lớn khi thực hiện tích tụ ruộng đất. Một số hộ không sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng không cho thuê đất. Vì thế dự án sản xuất rau an toàn của anh Tuyến không thực hiện được. Hiện nay, anh Tuyến có kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất trà từ nấm linh chi.

Anh Tuyến cho biết: Cơ sở sẽ xây dựng hệ thống liên kết với các hộ sản xuất nấm linh chi trong vùng để cung cấp sản phẩm đầu vào. Đồng thời, tập trung phát triển thị trường, quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Nếu dây chuyền hoàn thiện và hoạt động thuận lợi, sản lượng trà của cơ sở cung cấp cho thị trường có thể đạt khoảng 2-3 tấn thành phẩm/năm.

Điều khiến anh Ngô Phú Tuyến lo lắng nhất chính là vấn đề mở rộng mặt bằng sản xuất và khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng. Theo anh Tuyến, các tổ chức nông dân thường không có tài sản thế chấp đủ lớn, đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Thêm vào đó, với những dự án mới của nông dân, hoặc HTX khó chứng minh được tính an toàn, hiệu quả so với các dự án của doanh nghiệp. Nếu không được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước về đất đai và tín dụng, dù có tiềm lực, các tổ chức nông dân vẫn chưa đủ sức đầu tư lâu dài vào nông nghiệp.

Chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp được đặt nền móng từ Nghị định 61/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Tỉnh ta cũng có cơ chế riêng, khuyến khích doanh nghiệp và tổ chức nông dân đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, cơ chế khuyến khích hộ dân, tổ hợp tác tích tụ đất để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch (Kế hoạch số 1136/KH-UBND của UBND tỉnh) thực sự đã tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy các tổ chức nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất cây ăn quả, cây dược liệu, rau an toàn… Những HTX chuyên ngành về chăn nuôi, thủy sản, sản xuất rau an toàn đã làm tốt vai trò kết nối nông dân cùng sản xuất một số sản phẩm, theo nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, số lượng các mô hình mới chưa nhiều và khả năng lan tỏa của các mô hình là không lớn. Nguyên nhân là do, các tổ chức nông dân gặp nhiều khó khăn trong khâu tích tụ ruộng đất, đủ diện tích (theo tiêu chí, yêu cầu của Kế hoạch 1136) để được hưởng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Hơn nữa, không phải tổ chức nông dân nào cũng có tiềm lực tài chính tốt, kinh nghiệm tổ chức điều hành để liên kết với doanh nghiệp. Trong khi, quá trình nghiệm thu mô hình, hoàn thiện các thủ tục hành chính để giải ngân vốn hỗ trợ của Nhà nước cho các mô hình sản xuất của tổ chức nông dân còn kéo dài, mất nhiều thời gian, gây tâm lý không tốt, làm giảm niềm tin với cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước.

Hiện nay, vai trò của các tổ chức nông dân càng được thể hiện rõ hơn  trong phát triển sản xuất ở nông thôn, nhất là vai trò liên kết tạo nên chuỗi giá trị nông sản. Vấn đề đặt ra làm thế nào để hình thành nhiều hơn nữa các tổ chức nông dân có trình độ chuyên môn tiên tiến, khuyến khích họ đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần nhận thức đúng về vai trò của các tổ chức nông dân đối với phát triển sản xuất nói chung và nông nghiệp nói riêng; coi sự đầu tư của các tổ chức nông dân là nguồn lực quan trọng để phát triển. Mặc dù, tiềm lực của nông dân không lớn bằng các doanh nghiệp, nhưng họ có thế mạnh kết nối nông hộ, tổ chức điều hành sản xuất quy mô nhỏ, tận dụng được nguồn lao động tại chỗ và giảm các chi phí trung gian... Vì vậy, rất cần có cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là cơ chế về đất đai, tín dụng, đào tạo nâng cao kỹ năng tổ chức sản xuất, góp phần khuyến khích các tổ chức nông dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy