Tăng cường quản lý chất lượng nông sản

Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng nông sản vẫn được duy trì thường xuyên bằng nhiều giải pháp. Ngành nông nghiệp hỗ trợ nông dân và các tổ chức nông dân xây dựng mô hình sản xuất rau, củ, quả, lúa, cây ăn quả... theo tiêu chuẩn VietGAP.

Năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở NN&PTNT) đã tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, phối hợp kiểm tra chuyên ngành, đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua đánh giá, xếp loại, trong số 125 cơ sở có 10 cơ sở xếp loại A, 115 cơ sở xếp loại B. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản cũng tiến hành thẩm định và cấp 67 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, tập huấn xác nhận kiến thức cho hơn 770 người trực tiếp và gián tiếp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Chi cục thực hiện lấy 1.195 mẫu thực phẩm nông sản, thủy sản test mẫu và gửi đi kiểm nghiệm. Kết quả 83 mẫu không đạt, chiếm 6,9%. Các chỉ tiêu không đạt chủ yếu là chỉ tiêu hàn the trong các mẫu giò, chả. Các hộ kinh doanh sản phẩm giò, chả có hàn the, mẫu rau không đạt đã bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định. 

Tăng cường quản lý chất lượng nông sản
Sơ chế và đóng gói nông sản an toàn tại HTX Nông sản Cát Lại, xã Bình Nghĩa (Bình Lục).

Nâng cao nhận thức về sản xuất và sử dụng thực phẩm an toàn trong cộng đồng, đội ngũ cộng tác viên quản lý chất lượng tại các xã, phường, thị trấn đã thống kê, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Các hoạt động thông tin truyền thông về việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, bảo quản và sơ chế, chế biến sản phẩm cũng được đẩy mạnh. 1.490 lượt người là những người quản lý và sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng được phổ biến tập huấn kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nông sản.
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã tiến hành các cuộc kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Kiểm tra đột xuất 25 đơn vị và 20 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 4 công ty, hồ sơ vi phạm của 1 cơ sở đã được chuyển cơ quan điều tra.

Trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, lực lượng chức năng đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Qua kiểm tra 93 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 2 chủ cơ sở kinh doanh thuốc có hành vi vi phạm buôn bán thuốc thú y không có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam. Kiểm tra 75 cơ sở về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lực lượng chức năng đã phát hiện vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính 2 cơ sở vi phạm. 

Có thể thấy, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm nâng cao nhận thức và thực hành sản xuất nông sản an toàn và xử lý vi phạm đã được tăng cường. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp vi phạm quy định pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý của cơ quan chức năng chỉ giải quyết một phần những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông sản hiện nay. Nguyên nhân là bởi, sản xuất không theo tiêu chuẩn thì rất khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Do tính chất đặc thù của ngành nông nghiệp, có lĩnh vực mang tính chất thời vụ, trong khi, theo quy định mỗi năm chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần đối với doanh nghiệp nên việc quản lý chất lượng, như chất lượng giống cây trồng khó đáp ứng được yêu cầu. 

Hiện nay, sản lượng nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn tối thiểu, hoặc bất cứ tiêu chuẩn nào còn thấp hơn nhiều so với tổng sản lượng nông sản được sản xuất hằng năm. Vì vậy, để có nền nông nghiệp an toàn, cần phải làm từ gốc, nghĩa là phải quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối tiêu dùng. Bà Trần Thị Yến, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Phủ Lý cho rằng, phải quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất, sản phẩm phải được truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm nào không đạt tiêu chuẩn thì chủ sản xuất phải chịu trách nhiệm và không được phân phối ra thị trường.

Trước yêu cầu phát triển, xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia toàn dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp nông sản an toàn cho thị trường nội địa là yêu cầu cần thiết. Theo đó, chỉ nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn tối thiểu trở lên mới được lưu thông, buôn bán. Hiệu quả từ việc minh bạch thông tin sản phẩm đã được khẳng định rõ ràng, song do chi phí sản xuất tem truy xuất nguồn gốc tương đối lớn, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, nên nhiều hợp tác xã, nông dân chưa mặn mà thực hiện; trình độ của nhiều hộ sản xuất nhỏ còn hạn chế, nên việc ghi nhật ký sản xuất vẫn lúng túng... Vì vậy, người sản xuất mong muốn tiếp tục được hưởng cơ chế hỗ trợ của tỉnh về làm tem nhãn truy xuất nguồn gốc nông sản. Cùng với đó, cần sớm hoàn thiện số hóa thông tin về các vùng chuyên canh, tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn nữa việc đăng ký, sử dụng mã QRcode, tạo môi trường lành mạnh trong cạnh tranh. 

Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tích cực phối hợp xây dựng các mô hình, đề án như: Đề án Xây dựng mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao”, dự án “Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tỉnh Hà Nam”, đề án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025”...  hướng tới mục tiêu  từng bước đổi mới phương thức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý nông sản theo quy trình từ khâu tổ chức sản xuất, sơ chế, đến chế biến sản phẩm. Qua đó nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng nông sản, góp phần thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp an toàn, hiệu quả, cho giá trị kinh tế cao.

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.