Tăng cường phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Tính đến ngày 4/4, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 47 hộ, thuộc 18 thôn của 11 xã tại 4 huyện: Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân và Duy Tiên. Tổng số lợn mắc dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy lên đến 1.126 con.

Xã Văn Xá (Kim Bảng), nơi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi hiện có 3 hộ đều tập trung ở thôn Chanh – Trung Đồng, những hộ này đều nuôi nhỏ lẻ, hộ nhiều nhất có 15 con, hộ ít nhất nuôi một con lợn nái. Chuồng trại của các hộ làm đơn giản trong khuôn viên nhà, dùng một phần thức ăn tận dụng… 

Được biết, chăn nuôi lợn tại xã Văn Xá khá phát triển với tổng đàn lợn luôn duy trì trên 5 nghìn con. Ngoài chăn nuôi nông hộ, cả xã có 22 trang trại chăn nuôi từ 10 lợn nái và hơn 100 lợn thịt trở lên, trang trại nhiều nhất nuôi gần 200 lợn nái và 1.000 con lợn thịt.

Anh Vũ Ngọc Thơm, thôn Chanh Thôn - Trung Đồng, xã Văn Xá (Kim Bảng) phun khử trùng tiêu độc chuồng trại phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, khác với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các trang trại lớn làm rất tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, chỉ tính riêng vôi bột, các hộ chăn nuôi tại xã đã sử dụng hơn 10 tấn hóa chất khử trùng tiêu độc được phun hằng ngày. Do vậy, dịch bệnh chỉ “tấn công” được vào các hộ chăn nuôi nhỏ, ít quan tâm phòng, chống dịch bệnh.

Ông Trần Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Xá cho biết: Từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn, xã tăng cường công tác phòng chống. Trong đó, giao cho lực lượng thú y xã, trưởng thôn, các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống dịch, đặc biệt, chú trọng ngăn ngừa dịch bệnh tại những hộ nuôi nhỏ lẻ.

Cũng như Văn Xá, các địa phương có dịch tả lợn châu Phi đều xuất hiện ở những hộ nuôi số lượng ít. Duy nhất, một hộ tại xã Liêm Phong (Thanh Liêm) có đàn lợn bị dịch hơn 200 con, nhưng chuồng đơn giản, sát với các hộ chăn nuôi khác, không có cách ly.

Tại xã Bạch Thượng (Duy Tiên), những ngày qua, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra gần 10 hộ chăn nuôi nhỏ ở 3 thôn: Văn Phái, Nhất và Ngũ Nội. Mới đây phát sinh thêm một hộ ở thôn Văn Phái nuôi 3 con lợn nái. Theo ông Đinh Huy Bách, việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi nói riêng, dịch bệnh nói chung thường rất khó khăn ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Thực tế, chăn nuôi lợn của các hộ nhỏ lẻ hiện nay đang có rất nhiều hạn chế, dễ xuất hiện dịch bệnh. Nhiều hộ không tự chủ động được nguồn giống nên phải nhập nguồn lợn giống từ bên ngoài, không rõ nguồn gốc, xuất xứ về nuôi (chủ yếu mua qua thương lái). Vì vậy, rất dễ mua phải lợn được bán chạy từ vùng dịch.

Bên cạnh đó, công tác vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh chưa được tốt; công tác phòng chống động vật nguy hại không bảo đảm, dễ mang theo virus từ nơi này qua nơi khác. Cụ thể, chuồng nuôi hở chuột sẽ vào các chuồng lợn có bệnh ăn thức ăn thừa và di chuyển đi nơi khác làm phát sinh dịch bệnh.

Để phòng, chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, các hộ chăn nuôi lợn, nhất là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần phải áp dụng biện pháp an toàn sinh học theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Trong đó, thực hiện tốt các khâu từ nguồn con giống, tiêm phòng vắc – xin, đến quá trình chăm sóc…, nhất là công tác vệ sinh thú y phải được thực hiện nghiêm túc.

Tại thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát hiện nay, cần quan tâm ngăn ngừa các nguồn lây bệnh trực tiếp qua người, phương tiện, thức ăn. Đồng thời, ngăn chặn không để động vật nguy hại mang mầm bệnh xâm nhập vào chuồng. Việc rải vôi bột được thực hiện đúng yêu cầu, rải lớp dày ở môi trường xung quanh chuồng trại, đường đi vào để bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.

Quan trọng nhất, các hộ chăn nuôi, trong đó có hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không chủ quan; sử dụng đồng bộ, triệt để các biện pháp phòng, chống dịch. Có như vậy, dịch bệnh nguy hiểm mới được khống chế, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy