Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thời gian qua, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng chăn nuôi. Mặc dù hằng năm, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo và dành nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tuy nhiên, theo công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC vẫn còn những hạn chế.

Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Lê, xã Nhật Tựu (Kim Bảng) chăn nuôi trở lại sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Mạnh Hùng

Năm 2019, dịch bệnh phát sinh trên cả đàn gia súc và gia cầm. Ngành nông nghiệp đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch. Công tác giám sát dịch bệnh được thực hiện đến tận hộ gia đình thông qua mạng lưới thú y cơ sở và cán bộ chuyên môn. Việc lấy mẫu bệnh phẩm giám sát, phòng chống bệnh lở mồm long móng, bệnh dịch tả lợn châu Phi; lấy mẫu kiểm tra lưu hành vi-rút cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm ở 5 huyện, thành phố, kiểm tra kháng thể sau tiêm phòng, lấy mẫu kiểm tra ký sinh trùng đường máu trên đàn bò sữa vẫn được duy trì theo quy định. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã phối hợp kiểm tra, kiểm soát giết mổ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi, ước tính trên 500 tỷ đồng. Mặc dù, UBND tỉnh đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt công tác phòng chống, như: tiêu hủy lợn bệnh, lập các chốt phòng dịch, phun hóa chất tẩy trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi… Tuy nhiên, bệnh dịch vẫn lây lan nhanh, khiến cho hơn 132.000 lợn trên địa bàn toàn tỉnh bị tiêu hủy. Hơn 9.800 hộ chăn nuôi lợn phải để trống chuồng. 

Đáng nói là, công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt, ảnh hưởng đến việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC, tỉnh có cơ chế hỗ trợ, bao gồm kinh phí mua vắc- xin phòng một số loại bệnh. Tuy vậy, tỷ lệ tiêm phòng một số bệnh cho đàn vật nuôi đạt thấp. Năm 2019,  tỷ lệ đàn lợn được tiêm vắc - xin phòng bệnh dịch tả lợn chỉ đạt 39,1% so với kế hoạch và đạt 52,4% so với cùng kỳ; đàn gia súc được tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cũng chỉ đạt 51,6% so với kế hoạch; tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm phòng dại đạt 55,6% kế hoạch và 75% so với cùng kỳ 2018. 

Mặc dù không gây thiệt hại lớn, trên diện rộng về kinh tế, nhưng những bệnh thường gặp, xảy ra ở quy mô nhỏ vẫn gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi. Ông Đặng Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục chia sẻ:  Công tác phòng dịch tả lợn châu Phi thực hiện quyết liệt, nhiều hộ dân chủ động phòng, chống dịch bệnh lây lan. Song do bệnh dịch gây thiệt hại lớn về kinh tế nên ảnh hưởng tâm lý phát triển chăn nuôi của nhiều hộ dân.

Ông Ngô Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên cho biết: Tâm lý lo sợ dịch bệnh lây lan nên nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thị xã Duy Tiên đã tự mua vắc- xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh GSGC từ chính các hộ chăn nuôi là hết sức quan trọng.

Trong những năm gần đây, chăn nuôi được khuyến khích phát triển theo xu hướng chăn nuôi tập trung, áp dụng các tiến bộ KHKT và an toàn sinh học. Sau nhiều năm thực hiện, chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ đã giảm hẳn so với 3 năm về trước. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế sự phát sinh và lây lan dịch bệnh vẫn chưa phát triển được trên diện rộng. 

Rút kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong năm 2019, Sở NN&PTNT khẳng định: Dịch tả lợn châu Phi xảy ra và lây lan nhanh là do nhiều hộ chăn nuôi còn chủ quan, chưa thấy hết được mức độ nguy hiểm của bệnh dịch nên việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh còn mang tính chất cho có, không đúng theo quy định, nên hiệu quả không cao. Kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh ở các trang trại  chăn nuôi tập trung cho thấy, nhiều trang trại giữ được đàn lợn trong tâm dịch là do chủ trang trại làm tốt công tác cách ly, áp dụng nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu giữ vững ổn định 400.000 con lợn, nâng tổng đàn bò sữa lên 4.200 con, bò thịt 32.000 con, gia cầm 7,5 triệu con. Cùng với việc đánh giá lợi thế về phát triển từng loại vật nuôi, việc chủ động làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC được xem là yếu tố hết sức quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển chăn nuôi. 

Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi năm 2020, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Năm 2020, ngành chăn nuôi tiếp tục theo định hướng phát triển các đối tượng vật nuôi có giá trị kinh tế cao như bò sữa, bò thịt, gà Móng Tiên Phong... Tiếp tục kiểm soát, khống chế không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra và lây lan trên diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả. Trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch lở mồm long móng nhỏ lẻ trên đàn gia súc, nhất là ở những nơi có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến khó lường; nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm cũng rất cao.

Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục kiện toàn và duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cho GSGC các cấp; tuyên truyền hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đây là biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất hiện nay đối với bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng. Để quản lý nguồn kinh phí cũng như sử dụng lượng vắc-xin được tỉnh hỗ trợ có hiệu quả, các địa phương cần tổ chức thanh tra và tổng hợp chính xác, kịp thời số lượng GSGC trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện công tác tiêm phòng.

Bích Huệ

Bích Huệ, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy