Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch trải nghiệm

Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn thị xã Duy Tiên có một số mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm.

Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên khẳng định: Duy Tiên có tiềm năng phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Hướng đi này không chỉ khai thác tốt hơn hiệu quả các mô hình sản xuất mà còn thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Có điều, để khai thác tốt và hiệu quả hướng phát triển này, thực tế đang cần nhiều điều kiện hỗ trợ về cơ chế, chính sách chứ không chỉ là một chủ trương. 

Nông trại hữu cơ Happy Farm ở xã Trác Văn (Duy Tiên) nằm giữa cánh đồng bãi, xung quanh có nhiều mô hình sản xuất rau hữu cơ, không khí trong lành, khí hậu mát mẻ là sự lựa chọn tốt cho những người ưa thích trải nghiệm và tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ. Bà Trịnh Thị Nguyên, Chủ Nông trại hữu cơ Happy Fram chia sẻ: Chúng tôi vẫn đón khách đến nông trại. Họ là những người muốn tham quan, trải nghiệm một số công đoạn trong quy trình sản xuất và thưởng thức sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Các cháu học sinh đến đây đều tỏ ra hào hứng và phấn khởi khi được tham gia gieo hạt, hái quả… Mục đích đón khách của nông trại chúng tôi không phải là có thêm thu nhập từ phí dịch vụ mà là muốn quảng bá về nông nghiệp hữu cơ.

Mùa nào thức đó, Nông trại hữu cơ Happy Farm sản xuất nhiều loại rau, củ, hoa, cây dược liệu và nhiều loại hạt. Chị Lê Thị Bình, một khách tham quan nói rằng: Màu xanh của các loại rau ăn lá, với sắc đỏ của hoa hồng, vàng rực rỡ của hoa cúc, dã quỳ làm tôi vô cùng thích thú. Tôi thích mô hình nông trại hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ làm cho con người gần gũi với tự nhiên hơn, sạch sẽ và an toàn hơn.

Ngoài rau hữu cơ, ở xã Trác Văn còn có Trang trại Mục Đồng nuôi và sản xuất sữa bò tươi theo tiêu chí “5 không” (bò không ăn cám công nghiệp, không ăn thức ăn có nguồn gốc biến đổi gien, không sử dụng thuốc kích thích tăng sữa, không tồn dư kháng sinh và không chất bảo quản). Nhãn hàng Sữa tươi Mục Đồng đang được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ngay từ khi bắt đầu sản xuất theo tiêu chí “5 không”, Trang trại Mục Đồng đã đón nhiều đoàn khách nơi xa về tham quan mô hình trang trại, trải nghiệm xem trực tiếp quy trình sản xuất sữa bò tươi và một số công đoạn chế biến sữa.

Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch trải nghiệm
Anh Nguyễn Thanh, Chủ cơ sở chế biến trà ướp sen Nguyễn Thanh (phường Duy Minh, Duy Tiên) giới thiệu với khách du lịch về sen bách diệp - loại sen dùng để ướp trà tạo nên thương hiệu Trà ướp sen Trưởng An. Ảnh: Mạnh Hùng

Vài năm trước, thị xã Duy Tiên có hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch tâm linh, làng nghề. Để tạo ấn tượng về hình ảnh đẹp cho du khách ngay khi đặt chân về địa phương, dọc hai bên đường gần đến khu vực đền Lảnh Giang (xã Mộc Nam), một vài năm trở lại đây, nhiều đầm sen đã được người dân trồng lại để khai thác hạt, đồng thời tạo địa điểm mới cho du khách chụp ảnh làm kỉ niệm. Làng nghề dệt lụa Nha Xá (Mộc Nam) đã đón nhiều du khách đến tham quan tìm hiểu giá trị văn hóa làng nghề truyền thống. Nhưng vì chưa cung cấp các dịch vụ du lịch nên chưa khai thác được tiềm năng các mô hình nông nghiệp ở xã Trác Văn và du lịch làng nghề ở  xã Mộc Nam.

Chia sẻ với chúng tôi về những vấn đề có liên quan, ông Phạm Văn Thập cho biết thêm: Vấn đề hiện nay chính là điều kiện để khuyến khích phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề. Trong đó, yếu tố về cơ chế, chính sách là quan trọng nhất nhằm định hướng rõ ràng cho việc đầu tư phát triển lâu dài và bài bản. Kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch mà không bài bản thì khó có thể phát huy hiệu quả kinh tế cao. Bởi, khi phát triển sản xuất nông nghiệp phục vụ khách du lịch buộc người sản xuất phải thay đổi tư duy về làm nông nghiệp, chú trọng nhiều hơn đến việc sản xuất ra các sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu. Đó chính là động lực mở hướng phát triển nông nghiệp bền vững. 

Vấn đề là hiện nay, người dân không được phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, kể cả nhà tạm, lều, lán, trong khi để làm dịch vụ du lịch cần phải có hạ tầng, như: nhà phục vụ du khách ăn uống, nghỉ ngơi, chưa nói đến vấn đề quy hoạch đường xá, bến bãi... Điều này liên quan đến cơ chế, chính sách về quy hoạch sử dụng và quản lý đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng. Khi có chủ trương và định hướng cụ thể, cho phép phát triển theo hình thức nào, với những sản phẩm gì, ở đâu. Cơ chế ưu tiên và thu hút đầu tư vốn từ các thành phần kinh tế cho lĩnh vực này. Có một số doanh nghiệp đã tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm ở thị xã Duy Tiên. Doanh nghiệp có tiềm lực về vốn đầu tư, nhưng lại vướng về cơ chế sử dụng đất nông nghiệp.

Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch không phải là vấn đề mới mẻ đối với nhiều địa phương, nhưng ở tỉnh ta, loại hình này vẫn đang trong thời điểm sơ khai. Để khai thác tiềm năng và phát huy hiệu quả mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch, thực tế đang cần một gói các giải pháp. Trước hết là chủ trương, chính sách tạo điều kiện và tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư phát triển loại hình du lịch này. Thêm vào đó, có sự kết hợp giữa các ngành có liên quan trong việc điều tra, khảo sát, đánh giá cụ thể thực trạng cũng như xây dựng các mô hình phát triển hiện có; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực…

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy