Quan tâm giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp

Tổn thất trong sản xuất nông nghiệp rất khó kiểm soát. Dù ở khâu nào, tổn thất đều làm cho giá trị sản xuất giảm đi. Làm gì để giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp? Đây thực sự là vấn đề khó, cần được quan tâm đúng mức.

Nhìn những thửa ruộng mạ non mọc đầy quanh gốc rạ, xanh mơn mởn ở một số xã trên địa bàn huyện Lý Nhân, bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lý Nhân ngậm ngùi chia sẻ: Đó là minh chứng về tổn thất trong khâu thu hoạch lúa mà nhiều nông dân thường không quan tâm đến. Biết rằng, tỷ lệ rơi vãi, hao hụt trong khâu thu hoạch có thể chấp nhận ở mức từ 5-7%. Tỷ lệ này ở quy mô một vài sào thì không có gì đáng ngại, nhưng nếu với diện tích vài trăm ha con số tổn thất là không hề nhỏ. Tôi tin chắc rằng, tổn thất trong thu hoạch lúa không chỉ ở vụ mùa, mà ở cả vụ xuân.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Quyên, lâu nay, chúng ta mới chỉ thấy rõ tổn thất trong sản xuất lúa. Thực tế, tổn thất vẫn luôn xảy ra đối với chăn nuôi và trồng trọt, nhất là khi sản phẩm không được thu hoạch, bảo quản, sơ chế… kịp thời. Nhiều nông dân trồng đậu tương vụ đông, sau khi thu hoạch gặp thời tiết bất thuận, đậu tương không được phơi sấy, bảo quản nên bị hư hỏng. Phần nhiều nông dân sản xuất rau, củ, quả thu hái bán tươi. Khi được giá thì không sao, nhưng nếu được mùa mất giá, rau, củ bán rẻ như cho, thậm chí là để thối trên đồng không có người thu hoạch.

Đã có thời điểm, nông dân trồng dưa chuột thất thu vì sản phẩm làm ra không được công ty thu mua. Hàng tấn dưa chuột sau khi thu hoạch xong đã bị nông dân vứt bỏ. Năm 2017, cơn bão rớt giá thịt lợn đã cho thấy sự cần thiết về phát triển công nghiệp chế biến trong nông nghiệp…

Rau mồng tơi được trồng trong nhà kính của hộ ông Trần Ngọc Hiếu, HTX Nông sản sạch Bảo An.

Tìm hiểu thực tiễn, chúng tôi thấy, vấn đề giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp thực sự chưa được coi trọng đúng mức. Nguyên nhân không phải vì thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy, mà vì các yếu tố về quy mô sản xuất nhỏ, hạn chế trong nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề giảm tổn thất trong sản xuất, cũng như hạn chế  về năng lực tài chính, tổ chức sản xuất của nông dân đang là những rào cản khiến cho việc đầu tư giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Nhiều địa phương, sau khi tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng mẫu, nỗi lo lớn nhất đối với nông dân sau khi thu hoạch lúa là không có điều kiện phơi, sấy bảo quản thóc. Tổn thất trong sản xuất lúa không chỉ là tỷ lệ phần trăm hao hụt trong thu hoạch, mà giá trị hạt thóc giảm đi khi lúa không được đưa vào liên kết chuỗi.

Ông Bùi Văn Nguyên, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTXDVNN Yên Bắc (Duy Tiên) luôn trăn trở về việc làm thế nào để đưa máy móc, thiết bị phơi sấy, bảo quản nông sản, góp phần giảm rủi ro cho nông dân trong những lúc nông sản được mùa, mất giá. Vì nếu nông sản được sơ chế, bảo quản trong điều kiện tốt sẽ dễ dàng tạo thành chuỗi liên kết. 

Vấn đề ở chỗ, không phải ai cũng đủ các điều kiện để đầu tư dây chuyền, thiết bị sơ chế, bảo quản nông sản. Ngoài yếu tố về tài chính, thì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung như hiện nay rất khó để đầu tư công nghệ sản xuất bài bản.

Khắc phục tổn thất, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, HTX Nông sản sạch Bảo An, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) tăng cường liên kết sản xuất, xây dựng nhà lưới, nhà kính để sản xuất rau, củ, quả. Theo ông Trần Ngọc Hiếu, quản lý HTX Nông sản sạch Bảo An, khó khăn lớn nhất đối với các HTX chính là thiếu vốn đầu tư khoa học công nghệ. Muốn tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng đòi hỏi HTX phải có điều kiện thế chấp tài sản.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo đó, danh mục các máy, thiết bị được hỗ trợ  đầu tư theo quyết định 68 rộng mở hơn so với cơ chế cũ. Ngoài các loại máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía, còn có các loại máy sấy nông sản, thiết bị sử dụng trong chăn nuôi, hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm, máy, thiết bị sử dụng sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch thủy sản, chế biến sản phẩm từ phế và phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản. Kho, thiết bị sử dụng chứa, bảo quản thóc, ngô quy mô hộ gia đình…

Có thể thấy, chính sách nhằm giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp khá rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tiễn không phải chuyện một sớm, một chiều.

Có nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến hiệu quả thực thi của chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp. Trong đó, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các đơn vị có liên quan là một trong những yếu tố khiến cho nhiều hộ dân và các tổ chức nông dân chưa tiếp cận được chính sách. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa thực sự tạo điều kiện để đẩy mạnh việc ứng dụng máy móc, thiết bị các khâu trong và sau thu hoạch.

Vì vậy, rất cần những giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện các biện pháp giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.