Phú Phúc khôi phục đàn lợn sau dịch bệnh

Ông Đào Quang Bách, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Phúc cho biết: Chăn nuôi lợn đóng vai trò lớn trong ngành nông nghiệp và thu nhập của người dân. Vì thế, xã đặt mục tiêu khôi phục đàn lợn bảo đảm cả về số lượng và sự an toàn trước dịch bệnh.

Trong đợt dịch tả lợn châu Phi, xã Phú Phúc (Lý Nhân) có số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy khá lớn, lên đến 4.064 con, chiếm gần 40% tổng đàn (theo tổng hợp tại thời điểm xuất hiện dịch). Chỉ tính riêng đàn lợn nái và lợn đực giống của xã đã phải tiêu hủy gần 600 con. 

Được biết, ngay sau khi được công bố hết dịch vào tháng 12/2019, xã Phú Phúc đã từng bước khôi phục lại chăn nuôi lợn. Ông Đào Quang Bách, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Phúc cho biết: Chăn nuôi lợn đóng vai trò lớn trong ngành nông nghiệp và thu nhập của người dân. Vì thế, xã đặt mục tiêu khôi phục đàn lợn bảo đảm cả về số lượng và sự an toàn trước dịch bệnh.

Bác Nguyễn Văn Tinh, thôn Phúc Mãn phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi lợn.

Trước khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi, chăn nuôi lợn của xã Phú Phúc phát triển khá mạnh, với tổng đàn hơn 11.000 con, gồm 1.415 con lợn nái và lợn đực giống, còn lại là lợn thịt. Do vậy, khi xuất hiện dịch, Phú Phúc đã tập trung quyết liệt trong công tác phòng chống, nhất là thực hiện tốt việc khoanh vùng dập dịch ngay tại hộ. Cùng với đó, công tác khử trùng tiêu độc và phòng tránh dịch bệnh lây lan được triển khai đồng bộ. Vì thế, nhiều hộ chăn nuôi trong xã đã giữ được đàn lợn không bị dịch. Đặc biệt, xã chú trọng bảo vệ và duy trì đàn lợn nái. Đây là đối tượng tạo nguồn con giống cho khôi phục chăn nuôi trở lại sau dịch. Thực tế, các hộ chăn nuôi của xã đã kết hợp phòng, chống dịch và duy trì, phát triển đàn tại chỗ từ nguồn con giống tự sản xuất.

Việc khôi phục đàn lợn của Phú Phúc được thực hiện ngay sau khi công bố hết dịch và từ nhu cầu thực tế sản xuất của người dân trong xã. Thực hiện việc tái đàn, xã đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm an toàn. Trong đó, với những hộ đã từng có dịch thực hiện nhập đàn nuôi thử với số lượng ít (10% số đầu lợn định tái đàn). Sau khi nuôi một thời gian kiểm tra ổn định, không thấy biểu hiện dịch bệnh mới nhập tiếp lợn về nuôi. Lợn giống nhập về được lựa chọn rõ nguồn gốc, bảo đảm sạch bệnh. Cùng với đó, đàn lợn nái và lợn đực giống giữ lại 820 con sau khi hết dịch được khuyến khích sản xuất tạo nguồn con giống cho phát triển đàn tại chỗ và cung cấp cho những hộ có nhu cầu trong xã. Do vậy, chỉ sau hơn 2 tháng từ khi công bố hết dịch (18/12/2019) đến nay, đàn lợn của xã Phú Phúc đã đạt gần 7.100 con, tăng hơn 10%.

Tìm hiểu việc chăn nuôi sau dịch tại hộ bác Trần Văn Tinh, thôn Phúc Mãn, là một trong những hộ không bị dịch tả lợn châu Phi, được biết, cả trong quá trình dịch xảy ra ở xã và hiện nay bác Tinh vẫn luôn duy trì tốt đàn lợn với số lượng từ 50 - 100 con lợn thịt. Nguồn lợn giống hoàn toàn được cung cấp từ đàn lợn nái 8 con của gia đình. 

Bác Tinh chia sẻ: Trong quá trình chăn nuôi tôi luôn chú trọng đến việc phòng dịch bằng biện pháp tiêm đầy đủ các loại vắc - xin và vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại. Khi xã công bố dịch tả lợn châu Phi, định kỳ 3 ngày 1 lần tôi phun khử trùng, tiêu độc cho toàn bộ chuồng trại, cách ly không để mầm bệnh xâm nhập. Hiện nay, việc phun thuốc khử trùng tiêu độc vẫn được thực hiện 1 tuần 1 lần. Đàn lợn nái trong chuồng vẫn được duy trì và sinh sản đều đặn, nếu dư nguồn lợn giống sẽ cung cấp cho các hộ trong vùng có nhu cầu.

Được biết, hiện nay để khôi phục và phát triển đàn lợn, xã Phú Phúc vẫn đang tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, xã tuyên truyền để người dân sử dụng vôi bột, hóa chất thường xuyên khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi. Xã khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, thường xuyên giám sát dịch ngay tại hộ.

Với những hộ từng có dịch phải tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật khi thực hiện tái đàn. Theo mục tiêu năm 2020, đàn lợn vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, phấn đấu sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 946 tấn. Do đó việc khôi phục chăn nuôi lợn ngay từ đầu năm sẽ giúp Phú Phúc hoàn thành kế hoạch đề ra và nâng cao thu nhập cho người dân.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy