Phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, kinh doanh cho các HTX và các thành viên. Trong những năm gần đây ở tỉnh ta đã có những HTX hoạt động trong lĩnh vực này, tuy nhiên còn ít về lượng và nhỏ về quy mô sản xuất. 

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các HTX, bao gồm cả HTX nông nghiệp ứng dụng CNC. Cơ chế hỗ trợ hướng trực tiếp vào đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng CNC tham gia liên kết chuỗi nông sản, hỗ trợ các HTX tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng logo, nhãn hiệu và in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sạch…

Phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng lắp đặt hệ thống máy ở bể nuôi cá trong mô hình mới.

Hằng năm, Sở NN&PTNT tăng cường phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho cán bộ chủ chốt các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo đơn vị chuyên môn hướng dẫn tư vấn nhóm hộ, tổ hợp tác thành lập các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC. Đồng thời, tranh thủ nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, hỗ trợ các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC xây dựng nhà màn, nhà kính, nhà sơ chế, hệ thống tưới nước tiết kiệm phục vụ sản xuất. Tính đến cuối tháng 9/2020, trên địa bàn tỉnh có 22 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC, hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, như: HTX Nông sản sạch Bảo An, HTX Nông sản sạch Cát Lại, HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng, HTX Rau hữu cơ Trác Văn… 

HTX Nông sản sạch Bảo An ở thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) đã làm tốt khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất các loại rau, củ, quả và phân phối sản phẩm qua nhiều kênh. HTX Dịch vụ Đức Huy ở xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) từng bước ổn định và phát triển quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn   VietGAP.

Nhìn chung, sau khi ổn định sản xuất, các HTX sản xuất rau, củ, quả quy hoạch lại vùng sản xuất, mở rộng quy mô, tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản. Diện tích sản xuất bình quân đạt từ 2,5 - 5 ha/HTX; diện tích nhà kính từ 500m2 - 700 m2; nhà lưới từ 5.000m2 -  6.000m2, có sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, tự động, bán tự động theo công nghệ của Nhật Bản và Israel. Quy trình sản xuất được quản lý chặt chẽ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn nên các HTX thuận lợi hơn trong việc mở rộng kênh phân phối tại siêu thị, cửa hàng cung ứng nông sản sạch và các bếp ăn tập thể. Giá trị sản xuất trên 1 ha diện tích canh tác của các HTX tăng từ 10-20% so với sản xuất thông thường.

Năm 2019, HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng ở xã Thanh Sơn (Kim Bảng) đi vào hoạt động, xây dựng thành công mô hình nuôi cá theo công nghệ “Sông trong ao”, quy mô 1,6 ha mặt nước, với 3 bể nuôi cá rô phi, trắm cỏ và chép lai. Năm đầu tiên, sản lượng cá đạt khoảng 50 tấn/lứa.

Ứng dụng công nghệ “Sông trong ao”, các bể nuôi cá được xây gạch, hình chữ nhật, đáy đổ bê tông cứng, được lắp đặt máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy. Hệ thống máy hoạt động liên tục, giúp cho dòng nước chảy tuần hoàn, bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá. Công nghệ này còn giúp HTX quản lý được quy trình sản xuất, nhất là khâu phòng, chống dịch bệnh, xử lý nguồn nước; bảo đảm sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn. HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng hiện đang duy trì hoạt động chế biến ruốc cá, chả cá và cá kho. Thành công bước đầu chính là động lực để năm 2020, HTX đưa vào sản xuất thêm một mô hình mới, quy mô khoảng 1 ha.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng: “Việc hình thành chuỗi sản xuất trong nuôi cá đã giúp HTX nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển nhãn hiệu sản phẩm”. Năm 2020, sản phẩm của HTX được chọn tham dự Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.  

Phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn, yêu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm ngày càng cao, việc hình thành các HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng HTX nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất chưa nhiều và hầu hết phát triển ở quy mô nhỏ, chủ yếu sản xuất rau, củ, quả, thủy sản và chăn nuôi bò sữa.

Khó khăn lớn nhất đối với các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC chính là thiếu nguồn lực đầu tư phát triển, đặc biệt là vốn, quỹ đất, lao động có trình độ chuyên môn. Vì vậy, nhiều mô hình ứng dụng CNC chưa hoàn thiện, các HTX mới chỉ đầu tư từng phần, không đồng bộ từ đầu tư con giống đến sản xuất, sơ chế, chế biến, thị trường đầu ra sản phẩm... Năng lực quản trị và điều hành của một số cán bộ HTX còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn khi hoạch định sản xuất, kinh doanh. Giá bán sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP thường cao hơn giá nông sản thông thường từ 1,5 đến 2 lần, nhưng đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chi phí sản xuất cao nên việc mở rộng sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, để phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng CNC góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX và các hộ nông dân. Các ngành chức năng chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển HTX, như: hỗ trợ các HTX tích tụ, tập trung đất đai; hướng dẫn tổ chức lại hoạt động của các HTX, hoặc giải thể các HTX hoạt động kém hiệu quả; bổ sung quỹ hỗ trợ phát triển HTX để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các HTX, trong đó ưu tiên nguồn lực cho các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC; đẩy mạnh công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và thành viên HTX phù hợp với từng nhóm đối tượng và theo yêu cầu thực tế...

Cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể nói chung, HTX nông nghiệp ứng dụng CNC đã có. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay, vấn đề đặt ra là làm thế nào để các HTX và tổ chức nông dân tiếp cận và hấp thụ được cơ chế, chính sách hỗ trợ một cách hiệu quả. Bởi, chính sách tốt thì chưa đủ, mà bản thân các đơn vị sản xuất cũng phải có đủ năng lực để phát triển thì nguồn lực cơ chế mới phát huy được hiệu quả tối ưu.

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy