Nông sản và rào cản chất lượng

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường, chất lượng nông sản đã trở thành “át chủ bài” của người sản xuất. Ở chiều ngược lại, nếu không bảo đảm chất lượng thì đó sẽ là rào cản lớn đối với phát triển nông nghiệp.

Thịt lợn mát Meat Deli được người tiêu dùng ưa chuộng.

Câu chuyện về sự gia nhập thị trường của thương hiệu thịt lợn Meat Deli (Tập đoàn Masan) là một ví dụ. Ra mắt thị trường từ cuối năm 2018, thịt mát Meat Deli đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, ngay cả khi giá thịt lợn trên thị trường chưa “tăng tốc” như trong thời gian gần đây. Trong suy nghĩ của nhiều người thì không có khái niệm thịt tươi mà lại cấp đông tới 5-6 ngày. Ưu việt của thịt mát không chỉ có thế, nhìn vào quy cách đóng gói về trọng lượng, loại thịt đủ cho thấy, nhà sản xuất thịt mát Meat Deli đã nghiên cứu kỹ tâm lý tiêu dùng. 

Chị Lê Thị Thanh Hương (phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý) chia sẻ: Phải nói rằng, rất tiện lợi vì thịt Meat Deli đã được đóng hộp sẵn với trọng lượng đủ cho một bữa cơm gia đình. Từ thịt ba chỉ, mông sấn, xương sườn, xương sống… đều được đóng gói, trọng lượng đầy đủ, giá tiền rõ ràng. Quan trọng là có thể chế biến ngay, không cần giã đông mà chất lượng thịt vẫn tươi và ngon.

Bà Ngô Thị Giang, nhà phân phối sản phẩm Meat Deli tại thành phố Phủ Lý khẳng định: Nhu cầu tiêu dùng về thịt lợn sạch tăng mạnh trong thời gian gần đây. Sản phẩm chúng tôi bán ra ở thời điểm này tăng gấp đôi so với 2 tháng trước, sản lượng đạt 80 kg/ngày. 

Phản ứng của khách hàng cho thấy, thịt mát Meat Deli ngày càng thu hút được người tiêu dùng là bởi, nhà sản xuất đã tạo cho thị trường niềm tin về chất lượng sản phẩm. Masan đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng thành công mô hình sạch từ trang trại cho tới bàn ăn, đầu tư mạnh cho chuỗi chăn nuôi và chế biến khép kín, quản lý chặt chẽ đầu vào… Và kết quả là, thịt lợn mát Meat Deli bước đầu đã định vị được thương hiệu trong trí nhớ của người tiêu dùng.

Thịt lợn sạch đã tạo nên sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Câu chuyện thịt mát đã đặt ra cho lĩnh vực chăn nuôi lợn nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung nhiều câu hỏi về chất lượng sản phẩm? Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rõ nguồn gốc tăng cao, nhưng trong hàng ngàn mặt hàng thực phẩm tươi sống và qua sơ chế được bày bán trên thị trường không rõ nguồn gốc thì rõ ràng, người tiêu dùng vẫn còn ngổn ngang những nỗi lo. Vấn đề là vì sao, sau nhiều năm, vấn đề cung cầu thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn giữa người sản xuất và người tiêu dùng vẫn còn độ trễ lớn? Phải chăng là do xuất phát điểm sản xuất nông nghiệp, có liên quan đến tư duy, tập quán canh tác, chăn nuôi của nông dân, dẫn tới việc thay đổi phương thức sản xuất khó đạt được trong một sớm một chiều? 

Nếu nhìn vào “cuộc đua” của những thương hiệu nông sản có thể thấy, chất lượng luôn là yếu tố quyết định đến giá trị thương hiệu. Có thương hiệu, nông sản hoàn toàn có thể tạo ra lợi nhuận cao nếu đi đúng hướng với một chiến lược tốt. Có điều, việc tạo ra nông sản sạch đã là cả một câu chuyện dài và khó, chưa nói đến tạo dựng thành thương hiệu nông sản. Với tập quán canh tác nhỏ, lẻ, manh mún như phần đông nông dân ta đang làm, việc này càng thêm khó. Tuy nhiên, không phải là không thể.

Ông Phạm Hoàng Hiệp (HTX nông sản an toàn Liên Hiệp- xã Thi Sơn, Kim Bảng) là một trong số ít những nông dân đi đầu trong xây dựng mô hình sản xuất bắp cải an toàn theo tiêu chuẩn GLOBAL G.A.P tại tỉnh ta. Để đạt tiêu chuẩn này, HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Ông Phạm Hoàng Hiệp cho rằng: “Nếu không thay đổi tư duy sản xuất, cách làm rất khó tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm”. Có “tấm thẻ xanh GLOBAL G.A.P”, bắp cải xuất khẩu đi Nhật Bản đã dễ dàng hơn rất nhiều.  

Hỗ trợ phát triển sản xuất, thúc đẩy nâng cao chất lượng nông sản, tỉnh ta chủ trương quy hoạch vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi lợn sạch… Hiện nay, các địa phương đang tập trung rà soát vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Nông dân mong muốn được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng vẫn nặng nỗi lo về khâu tiêu thụ sản phẩm, bán cho ai, bán như thế nào. Nông dân lo vì nông sản chưa đạt được chất lượng tiêu chuẩn, trong khi khâu liên kết sản xuất vừa thiếu lại vừa yếu. 

Ông Đỗ Thế Trọng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Lục cho rằng: Việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung ngay từ đầu phải hướng tới xây dựng thương hiệu nông sản, có như vậy mới có định hướng đúng và giải pháp phù hợp trong việc sản xuất cây gì, con gì, quy mô ra sao.

Bình Lục đang quy hoạch vùng chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, nhưng chưa quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa. Việc triển khai chủ trương xây dựng vùng chăn nuôi lợn sạch tại địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian gần đây, giá lợn thịt tăng mạnh, người chăn nuôi ở Bình Lục thu lợi nhuận cao. Nhưng nói đến chăn nuôi lợn sạch, một số cán bộ địa phương tỏ rõ sự băn khoăn. Nguyên nhân là bởi người dân muốn làm theo cách của họ, còn áp dụng theo một quy chuẩn thì họ không tự thực hiện được, phải có doanh nghiệp dẫn dắt.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tạo ra giá trị gia tăng cao cho nông sản, chúng ta phải quan tâm sâu đến khâu chế biến. Không phải đến khi dịch tả lợn châu Phi gây sóng gió cho ngành chăn nuôi lợn thì các nhà hoạch định mới nhìn thấy rõ lợi thế thực sự của ngành chăn nuôi ở khâu chế biến, mà trước đó, vấn đề này đã được đưa ra nhưng không thực hiện được vì chất lượng sản phẩm đầu vào khó kiểm soát và không có doanh nghiệp liên kết. Ngay như với lúa gạo, mỗi năm, nông dân trong tỉnh sản xuất ra khoảng 380 nghìn tấn, nhưng số lượng được thu mua, chế biến, đóng gói cung cấp cho người tiêu dùng lại chiếm tỷ lệ không lớn.

Để tăng sức cạnh tranh cho nông sản thì chất lượng nông sản phải được coi trọng hàng đầu. Bên cạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn về nông nghiệp chất lượng, nông sản an toàn, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, việc thúc đẩy hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, chu chuyển lao động, thông tin thị trường… cũng là những giải pháp cần thiết để nâng cao chất lượng, hướng tới liên kết sản xuất chuỗi bền vững cho nông sản.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy