Nông sản an toàn cần đầu ra ổn định

"Đầu ra cho sản phẩm chính là khó khăn lớn nhất. Hiện, sản lượng rau an toàn tổ hợp tác sản xuất ra vẫn tự tiêu là chính." Bà Lưu Thị Tươi, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nông sản an toàn thôn Bạc, xã Thanh Tân (Thanh Liêm) chia sẻ.

Gần 11 giờ trưa bà Tươi mới từ đồng về nhà. Trao đổi với chúng tôi về mô hình sản xuất nông sản an toàn, bà Tươi cho biết: Thành lập năm 2017, mô hình tổ hợp tác (diện tích hơn 1ha với 6 hộ gia đình tham gia) là một trong những mô hình điểm của huyện Thanh Liêm về sản xuất nông sản an toàn.

Trước đây, trên diện tích này nông dân chúng tôi sản xuất theo phương thức truyền thống (làm theo kinh nghiệm), mạnh ai nấy làm, tự sản, tự tiêu. Cái được đáng ghi nhận nhất khi tham gia mô hình tổ hợp tác là các hộ nông dân được đi tham quan mô hình sản xuất nông sản an toàn hiệu quả trong và ngoài tỉnh, được tập huấn khoa học kỹ thuật, môi trường đồng ruộng không bị ô nhiễm (bởi nông dân chủ yếu sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu vi sinh), sức khỏe được bảo đảm...

Hiểu rõ việc chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn là cần thiết, mang tính bền vững, vì vậy các hộ dân tham gia tổ hợp tác thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật theo đúng hướng dẫn. Cùng với đó, các hộ gia đình đều có nhật ký đồng ruộng ghi rõ lịch trình sản xuất hằng ngày.

Đặc biệt, để hạn chế tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, bước đầu nông dân đã thực hiện sản xuất có kế hoạch, sản xuất nông sản thị trường cần…  nhờ đó, sản phẩm tổ hợp tác sản xuất ra được người tiêu dùng tin tưởng. 

Chăm sóc dưa theo đúng quy trình kỹ thuật sản xuất nông sản an toàn.

Nói về khó khăn, bà Tươi khẳng định: Đầu ra cho sản phẩm chính là khó khăn lớn nhất. Hiện, sản lượng rau an toàn tổ hợp tác sản xuất ra vẫn tự tiêu là chính (chủ yếu bán ở các chợ). Cùng với đó, giá bán rau an toàn và rau thường lại như nhau, trong khi đầu tư sản xuất rau an toàn cao hơn, mất nhiều công hơn. Thậm chí, nhiều thời điểm rau an toàn khó bán hơn bởi “mẫu mã” không đẹp như rau thường.

Do không có đầu ra ổn định, giá cả thị trường lại hết sức bấp bênh, sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, nên tình trạng lúc khan hàng, giá cao thì không có rau bán; lúc được mùa, rau rộ giá lại xuống thấp… vẫn còn xảy ra.

Là một trong 6 thành viên tham gia tổ hợp tác, ông Lê Quang Tuấn, thôn Bạc chia sẻ: Vùng đất màu ven sông Đáy của thôn Bạc trước đây người dân chủ yếu trồng lạc, trồng ngô, hiệu quả kinh tế thấp, trung bình chỉ đạt khoảng năm bẩy triệu đồng/sào/năm. Nhờ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi phương thức sản xuất, thu nhập của người nông dân được nâng lên. Hiện thu nhập bình quân mỗi sào trồng rau an toàn cao hơn gấp 2-3 lần so với sản xuất trước đây.

Ngoài khó khăn về đầu ra cho sản phẩm hiện chúng tôi còn gặp khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất bởi người cho thuê đất đòi giá cao, lại phải trả luôn “một cục” trong suốt thời gian thuê đất. Nếu không tích tụ, mở rộng được diện tích thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ tiếp tục gặp khó khăn bởi sản lượng sản xuất ra thấp, không đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị muốn ký kết, bao tiêu.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn chính quyền các cấp, ngành chức năng quan tâm đầu tư kiên cố hệ thống tưới tiêu để đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khó khăn của những nông dân sản xuất nông sản an toàn như bà Tươi, ông Tuấn cũng là khó khăn chung của nhiều mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh. Để tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy mô hình sản xuất phát triển… thời gian tới, ngoài sự nỗ lực, năng động của người sản xuất, các cấp, các ngành chức năng cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời, hiệu quả để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, từng bước nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác.

Phạm Hiền

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy