Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) và những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng rõ rệt, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, đòi hỏi cần có những giải pháp ứng phó kịp thời để bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực và tăng trưởng bền vững.

Nông dân xã Đọi Sơn (Duy Tiên) cấy lúa mùa bằng máy. Ảnh: Kim Chi

Theo ông Hoàng Đức Hùng, Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam, quá trình theo dõi số liệu khí hậu tại tỉnh trong một thập niên trở lại đây cho thấy, chuẩn sai nhiệt độ trung bình tăng lên so với chuẩn khí hậu 0,7oC. Sự nóng lên của trái đất làm cho nhiệt độ tăng dần.

Nhiệt độ cao nhất tại Hà Nam đã được xác lập về kỷ lục. Năm 2010, nhiệt độ đạt 40,4oC, cao nhất trong vòng 50 năm có số liệu quan trắc đạt trên 40oC. Đáng chú ý, từ năm 2010 đến nay, giá trị vượt 40oC liên tục lặp lại ở năm 2015, 2017, 2018. Nhiệt độ thấp nhất cũng có chuẩn sai dương so với thời kỳ 1981-2010. Năm 2016, nhiệt độ thấp nhất tại Hà Nam là 5,7oC.

BĐKH ngày càng gay gắt, thiên tai khốc liệt. Nông nghiệp dễ bị tổn thương trước thiên tai do chịu sự tác động trực tiếp của thời tiết.

Trong nhiều năm trở lại đây, sản xuất vụ đông của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do hạn kéo dài. Mực nước trên sông Hồng, sông Đáy xuống thấp, làm cho nhiều trạm bơm không thể hoạt động. Trong khi vụ mùa thường có mưa lớn tập trung vào tháng 7, 8 gây úng ngập trên diện rộng, làm giảm năng suất lúa.

Số liệu thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, trong 7 năm gần đây (2012-2018), năng suất lúa mùa của tỉnh không ổn định, có chiều hướng giảm, mức thấp nhất là năm 2017, năng suất chỉ đạt 47,1 tạ/ha. Trong vụ xuân 2018, do ảnh hưởng của thời tiết, lúa xuân cho thu hoạch muộn hơn các vụ xuân trước. Nắng nóng gay gắt trong tuần đầu của tháng 7 làm chậm tiến độ gieo cấy lúa mùa.

Bà Trần Thị Nga, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) nhận định: BĐKH đang tác động rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp.  Biến đổi thời tiết làm cho sâu bệnh hại cây trồng diễn biến phức tạp hơn. Những loại sâu bệnh thứ yếu giờ trở thành chủ yếu. Việc đưa vào sản xuất những giống cây trồng mới, đặc biệt là các giống lúa luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn định về năng suất, chất lượng, hiệu quả do thời tiết thay đổi.

Ví dụ, giống lúa TBR 225 đã được đưa vào sản xuất khảo nghiệm ở các mô hình nhỏ tại nhiều địa phương trong tỉnh. Kết quả khảo nghiệm rất khả quan. Nhưng khi sản xuất đại trà, TBR 225 bị bệnh đạo ôn trong vụ xuân và bạc lá trong vụ mùa. Lý giải cho vấn đề này, ý kiến của giới chuyên môn cho rằng, BĐKH đã tác động đến tính ổn định về chất lượng của nhiều giống lúa, trong đó có lúa TBR 225.

Mới đây, lần đầu tiên, cơ quan bảo vệ thực vật phát hiện sâu keo mùa thu gây hại cây ngô vụ hè thu trên diện rộng, với mức độ khác nhau tại huyện Lý Nhân. Đây là loại sâu mới được ghi nhận xuất hiện ở Hà Nam, được cho là rất khó phòng trừ.

Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lý Nhân cho rằng: “Thời tiết diễn biến phức tạp là một trong những nguyên nhân làm cho các loại sâu bệnh hại cây trồng phát triển”. Vụ xuân 2019, nhiều diện tích lúa bị bệnh bạc lá nặng, điều mà nông dân chỉ thấy trước đây trong vụ mùa.

Trước tác động của BĐKH, ngành nông nghiệp đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, mở rộng diện tích xuân muộn, mùa sớm và cây vụ đông sớm nhằm tránh tác động của thời tiết, ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, cũng như sự gia tăng các loại sâu bệnh hại. Nông dân đã quan tâm hơn đến lựa lách thời tiết, sản xuất các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế.

Các giải pháp về kỹ thuật thâm canh, công tác thủy lợi cũng được áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp nghiên cứu việc sử dụng hợp lý, hiệu quả đất trồng lúa; tìm kiếm, lựa chọn đưa vào sản xuất những giống lúa thích ứng với BÐKH.

UBND tỉnh có cơ chế khuyến khích nông dân và các tổ chức nông dân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu ứng dụng các mô hình tổng hợp, mô hình liên kết trong sản xuất. Việc chuyển giao các giống cây trồng mới (lúa, ngô và một số loại cây ăn lá, củ, quả) có năng suất, chất lượng cao, thích nghi tốt điều kiện thổ nhưỡng ở các địa phương trong tỉnh cũng được quan tâm thực hiện.

Đối với chăn nuôi, xác định rõ những loại con vật nuôi chủ lực, sớm hoàn thiện quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng thực hành chăn nuôi tốt, chăn nuôi khép kín, chăn nuôi công nghệ cao; xây dựng và phát triển hạ tầng phục vụ chăn nuôi thích ứng với BĐKH; tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi.

Thích ứng tốt với BĐKH là yêu cầu cấp thiết để phát triển. Nông nghiệp cũng vậy, cần một chiến lược lâu dài về ứng phó với sự biến đổi của thời tiết, có như vậy mới đạt được các mục tiêu về nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Bích Huệ

Bích Huệ, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.