Nhiều hộ nông dân đầu tư nuôi lợn gặp khó khăn trong việc trả nợ vốn tín dụng

Trong 2 năm trở lại đây, hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay vốn trả nợ ngân hàng. Nhiều hộ phải bỏ chuồng trại chăn nuôi, đi làm ăn xa với hy vọng tích góp vốn để trả nợ. Nếu các ngân hàng thương mại không cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi suất thì nhiều hộ sẽ "vỡ nợ" vì nuôi lợn.

Khách hàng giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên).

Chỉ tay về phía chuồng trại chăn nuôi, ông Trần Khắc Hanh, thôn Hàn, xã Hưng Công (Bình Lục) xót xa nói: Đấy, các chú xem, đầu tư 200-300 triệu đồng nuôi được vài lứa lợn, giờ chuồng trại bỏ hoang, lại gánh một "cục nợ" lớn. 

Ông Hanh kể: Đầu năm 2015 – 2016, giá lợn hơi lên cao 50 – 55 nghìn đồng/kg, khi đó "nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn", thấy vậy, gia đình tôi cũng vay vốn hàng trăm triệu đồng mở rộng chuồng trại chăn nuôi với hy vọng sớm thoát khỏi cảnh khó khăn. Thời kỳ cao điểm gia đình tôi nuôi hơn 130 con lợn thịt/lứa, được 2-3 lứa, giá lợn hơi tụt thảm hại, xuống còn 17 nghìn đồng/kg, cộng với liên tiếp xảy ra dịch bệnh, thế là phải đóng cửa chuồng trại, vốn liếng tích góp bao năm ra đi hết, còn "gánh" thêm khoản nợ ngân hàng gần 170 triệu đồng. Hai vợ chồng già giờ chỉ trông vào mấy sào ruộng, đôi bò, không biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng. Hai năm qua, các cháu thấy bố mẹ vất vả, gửi về cho gần 100 triệu đồng trả nợ, còn lại 70 triệu đồng chưa biết bao giờ vợ chồng tôi mới trả hết.

Cũng giống gia đình ông Hanh, các ông Trần Khắc Ân, Trần Khắc Dương, cùng ở thôn Hàn cũng rơi vào cảnh nợ nần khi vay vốn đầu tư nuôi lợn. Ông Trần Khắc Ân nợ ngân hàng gần 300 triệu đồng, ông Trần Khắc Dương nợ ngân hàng hơn 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Hưng Công cho biết: Thời kỳ cao điểm cả xã có hàng trăm hộ nuôi lợn, trong đó có những hộ nuôi tới 400 – 500 con/lứa. Khi giá lợn hơi xuống thấp, cộng với dịch tả lợn châu Phi, phần lớn các hộ dân trong xã phải bỏ trống chuồng trại. Khổ nhất là những hộ mới đầu tư nuôi được vài lứa, lời lãi chưa thấy đâu, khi dịch bệnh bùng phát vốn liếng tích góp bao năm đã mất hết, lại cộng thêm khoản nợ ngân hàng. Nhiều hộ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn khi trả nợ tín dụng ngân hàng, trong khi nhiều người tuổi lại cao, cuộc sống chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Tại xã Bồ Đề (Bình Lục), thời gian cao điểm có hơn 400 hộ gia đình nuôi lợn với tổng đàn duy trì hơn 30 nghìn con. Khi giá lợn hơi xuống thấp, có khoảng 170 hộ bỏ trang trại. Qua dịch tả lợn châu Phi, hiện nay chỉ còn gần 100 hộ nuôi lợn. Trong số hơn 400 hộ nuôi lợn ở Bồ Đề, có hơn 70% số hộ vay vốn tín dụng, hộ vay nhiều từ 3-5 tỷ đồng, hộ ít 200 – 300 triệu đồng. Hiện nay nhiều hộ gia đình ở Bồ Đề đã phá sản và gặp rất nhiều khó khăn khi trả nợ vốn tín dụng. 

Ông Đỗ Văn Điển, Chủ tịch UBND xã Bồ Đề cho hay: Khi giá lợn lên cao, thu được ít lời, nhiều hộ trong xã tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Khi giá lợn xuống thấp, dịch bệnh bùng phát… thua lỗ 2-3 tỷ đồng, khó có khả năng trả nợ. Hàng chục hộ trong xã chỉ vì nuôi lợn đã phải bỏ quê đi làm ăn xa, hằng tháng gửi lãi về trả ngân hàng, còn phần gốc khó có khả năng trả nợ.

Theo ước tính của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, hiện nay hàng nghìn hộ nông dân đầu tư nuôi lợn trong tỉnh gặp khó khăn khi xoay vốn trả nợ ngân hàng. Trong số trên, tập trung nhiều nhất ở địa bàn huyện Bình Lục, sau đó đến các huyện Lý Nhân, Kim Bảng, Thanh Liêm.

Được biết, thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc tháo gỡ khó khăn về vốn cho các hộ chăn nuôi, trong đó tập trung: Xác định từng khoản nợ của các hộ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, từng bước điều chỉnh giảm lãi suất cho phù hợp. Tính đến ngày 31/8/2019, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn đạt hơn 2.176 tỷ đồng, chiếm 5,76% dư nợ toàn địa bàn, trong đó cho vay chăn nuôi là 1.834,13 tỷ đồng, chiếm 84,28%; cho vay sản xuất thức ăn chăn nuôi là 342,04 tỷ đồng, chiếm 15,72%. Dư nợ bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi là 76,05 tỷ đồng. 

Về tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi, tính từ ngày 20/3 đến 31/8/2019, các ngân hàng đã giải ngân, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng hơn 200 tỷ đồng, trong đó cho vay mới hơn 160 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ hơn 40  tỷ đồng, miễn giảm lãi vay là 9,64 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ chăn nuôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ vốn ngân hàng. Các hộ hiện chủ yếu chuyển đi làm ăn xa, làm công nhân, lao động tự do trên thành phố. Việc tích góp để có vài trăm triệu đồng, hoặc vài tỷ đồng là rất lâu dài. Nếu như ngân hàng không tiếp tục có biện pháp cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất thì nguy cơ sẽ có nhiều hộ "vỡ nợ" vì chăn nuôi.

Trần Hữu

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.