Nhân Thịnh chú trọng phát triển các ngành nghề nông thôn

Là một xã thuần nông của huyện Lý Nhân, những năm trước đây, đời sống của người dân xã Nhân Thịnh còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, trong quá trình triển khai xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới (NTM), xã Nhân Thịnh rất chú trọng triển khai các giải pháp để tạo việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân; trong đó, xã đặc biệt quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế hộ theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề nông thôn.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh được biết, từ khi bắt tay vào triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, xã Nhân Thịnh đã xác định rõ, thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng và khó thực hiện nhất trong Bộ tiêu chí NTM. Tiêu chí này gặp khó thì nhiều chỉ tiêu, tiêu chí còn lại cũng khó hoàn thành do không thể huy động sức dân. Hiểu rõ thực tế đó, những năm qua, xã Nhân Thịnh đã căn cứ vào tình hình thực tiễn về vị trí địa lý, đặc điểm thổ nhưỡng, thói quen canh tác của bà con ở từng thôn để xây dựng kế hoạch thúc đẩy phát triển các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế. Bên cạnh việc duy trì lĩnh vực thế mạnh là chăn nuôi và trồng cây vụ đông, xã Nhân Thịnh còn chỉ đạo các thôn, tổ chức hội, đoàn thể tích cực hướng dẫn, vận động các hộ gia đình phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp để tăng thu nhập. 

Nhân Thịnh chú trọng phát triển các ngành nghề nông thôn
Xưởng sản xuất gỗ của hộ gia đình ông Đặng Xuân Khắc, Thôn 2 Do Đạo, xã Nhân Thịnh (Lý Nhân) giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Ảnh: Hân Hân

Cụ thể, đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bình quân mỗi năm, xã Nhân Thịnh phối hợp tổ chức 5-7 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa, cây màu, kỹ thuật phòng bệnh cho đàn vật nuôi; vận động người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương; khuyến khích các hộ dân nhân rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức trang trại…

Theo đó, nhiều năm qua, xã Nhân Thịnh đã duy trì hiệu quả việc canh tác đất hoa màu và trồng cây màu vụ đông trên đất hai lúa với các giống cây chủ lực là ngô, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ… Hằng năm, đàn lợn, trâu, bò đều có sự tăng trưởng cả về quy mô đàn nuôi và số hộ tham gia. Hiện, tổng đàn lợn của xã đạt 8.500 con; đàn trâu, bò đạt trên 800 con; đàn gia cầm, thủy cầm đạt trên 56.500 con.

Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có trên 30 hộ mạnh dạn cải tạo ao, vườn để phát triển mô hình nuôi ốc nhồi, cá rô đầu vuông, rắn; trên 10 hộ phát triển nghề trồng sen và hàng chục hộ có lò mổ gia súc, gia cầm… Năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã Nhân Thịnh ước đạt 213 tỷ đồng (đạt chỉ tiêu kế hoạch năm).

Nhân Thịnh chú trọng phát triển các ngành nghề nông thôn
Chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn giúp tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động không phải ly hương.

Song song với phát triển nông nghiệp, những năm qua, xã Nhân Thịnh còn đặc biệt quan tâm đến hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo môi trường thuận lợi để hộ, cơ sở phát triển sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như tại Thôn 2 Do Đạo, ngoài sản xuất nông nghiệp, theo thống kê sơ bộ, toàn thôn hiện còn có 9 xưởng sản xuất đồ gỗ với quy mô khá, thu hút khoảng 80 lao động làm việc thường xuyên; 8 tổ thợ xây với trên 100 lao động tham gia làm nghề; trên 10 xưởng may gia công, tạo việc làm cho trên 100 lao động; 15 tổ ép cọc, thu hút gần 100 lao động tham gia. Ngoài ra, Thôn 2 Do Đạo còn có 4 hộ mở xưởng cơ khí; 2 hộ mở xưởng sản xuất thảm lau chân; 6 cửa hàng kinh doanh tạp hoá và hàng trăm lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện…

Bà Đặng Thị Thắm, Trưởng Thôn 2 Do Đạo cho biết: Nhờ được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời với nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, nhất là từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nhiều hộ dân trong thôn đã đầu tư mở xưởng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng. Vì vậy mà mức sống và thu nhập của người dân trong thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao. Trong nhiều năm qua, thu nhập bình quân đầu người của thôn đều ở mức cao so với bình quân toàn xã.

Trên địa bàn xã Nhân Thịnh hiện có gần 300 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề: May công nghiệp, mộc, xây dựng, cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm, kinh doanh dịch vụ vận tải, tạp hoá… tạo việc làm tại chỗ cho trên 1.000 lao động. Ngoài ra, xã Nhân Thịnh còn có trên 1.000 lao động đang làm việc tại các công ty trên địa bàn huyện. Bên cạnh lực lượng lao động làm việc tại địa phương, xã Nhân Thịnh còn có khoảng 400 lao động được chia thành các tổ đang phát triển nghề ép cọc bê tông tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Để phát triển đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề nông thôn, hằng năm, xã Nhân Thịnh đều quan tâm làm tốt công tác đào tạo nghề cho người lao động, nhất là nghề may công nghiệp, điện, cơ khí, mộc. Bình quân mỗi năm, xã giải quyết việc làm mới cho khoảng 170 lao động trên địa bàn.

Với việc thúc đẩy kinh tế địa phương theo đúng huớng phát triển đa dạng các ngành nghề nông thôn, thu nhập bình quân đầu người ở Nhân Thịnh đã được cải thiện, nâng lên nhanh chóng, từ trên 29 triệu đồng năm 2016 lên 61,2 triệu đồng năm 2022. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh Nguyễn Trọng Bình thì người dân xã Nhân Thịnh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển các ngành nghề kinh tế, nhất là trong trồng cây vụ đông hàng hóa và sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Do vậy, trong thời gian tới, xã Nhân Thịnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở rộng diện tích cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa; nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn; làm tốt công tác phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm, khuyến khích người dân phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm tại chỗ, nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.