Nhãn được mùa, mất giá

Năm nay, do thời tiết thuận lợi cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây nhãn được mùa và hiện nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên,  vụ nhãn năm nay lại rơi vào tình cảnh “được mùa, mất giá”.

Theo một số hộ dân trồng nhãn tại các vùng nông thôn, hiện tại giá nhãn quả tại vườn chỉ từ 3.000-6.000 đồng/kg, đây là mức giá thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Nhãn được mùa mất giá
Vườn nhãn của gia đình anh Nguyễn Văn Dương, Thôn 3, xã Nhân Bình (Lý Nhân).

Hộ anh Nguyễn Văn Dương, Thôn 3, xã Nhân Bình (Lý Nhân) có 60 gốc nhãn, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 8-10 tấn quả, thu nhập trên 100 triệu đồng. Năm nay, do thời tiết thuận lợi cùng với việc chăm sóc đúng quy trình nên vườn nhãn của gia đình anh dự tính thu hoạch khoảng 15 tấn nhãn, tuy nhiên giá nhãn lại quá rẻ.

Anh Dương chia sẻ: Những năm trước, khi quả nhãn chỉ bằng đầu ngón tay là các thương lái đã tìm đến đặt mua cả vườn. Đối với giống nhãn sớm, như: Hương chi, Khoái Châu thì họ hái xuất bán hàng chợ, hoặc cung cấp cho các sạp hoa quả, còn với loại nhãn muộn (cây lâu năm) thì hái để sấy long nhãn xuất đi Trung Quốc. Nhưng năm nay, vườn nhãn nào cũng sai trĩu quả, lượng hàng nhiều nên không  thương lái nào dám mua cả vườn vì sợ lỗ. Do đó, số nhãn sớm đầu mùa khi gia đình hái bán cũng chỉ được 6 - 8 nghìn đồng/kg, hiện tại giảm xuống còn 5.000 đồng/kg. Hơn thế, toàn bộ số nhãn muộn, nhất là những cây nhãn lâu năm thương lái chỉ trả 2 - 3 nghìn đồng/kg và yêu cầu gia đình phải tự bẻ, cắt cuống, họ chỉ việc đóng hàng mang đi. Với giá như vậy, cộng thêm tiền thuê nhân công bẻ với giá trung bình 250 – 300 nghìn đồng/công, tính ra thì lỗ nên gia đình tôi quyết định không bẻ. 

Hộ ông Trần Văn Trọng, Thôn 4, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) cũng đang mất ăn mất ngủ vì nhãn. Với trên 80 gốc nhãn, năm nay ông dự kiến thu khoảng 20 tấn quả, hiện tại nhãn đã vào nước 2 bắt đầu thu hoạch. Do giá quá rẻ nên ông tăng cường thuê người hái đem bán tại các chợ mong bù lại một phần tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ông Trọng nói: Nhãn quá rẻ nhưng vẫn phải hái để bán vì không thể để lâu được. Loại quả này chỉ có khoảng thời gian nhất định khoảng 10 ngày kể từ khi nhãn được nước, nếu để lâu nhãn sẽ bị quá nước, đội cùi, nhạt dần và không ai mua. Còn nếu để sấy long thì nhãn cũng không đạt vì lượng đường giảm, long không bảo đảm.

Có mặt tại một số chợ, nhất là chợ vùng nông thôn, cho thấy nhãn bày bán la liệt, giá rẻ, nhưng lượng tiêu thụ khá khiêm tốn. Chị Nguyễn Thị Hiền, người bán hoa quả tại chợ Chanh, xã Nhân Mỹ (Lý Nhân) cho biết: Ở thời điểm đầu tháng 7, nhãn đầu mùa còn bán được với giá từ 12 - 15 nghìn đồng/kg, bây giờ vào thời kỳ nhãn chín rộ, giá chỉ từ 3 – 4 nghìn, nếu quả to, ngon thì có thể bán được 6 - 8 nghìn đồng/kg.

Còn tại làng Vạn Thọ (nay là thôn 3, 4) xã Nhân Bình (Lý Nhân), nếu như những năm trước vào thời điểm hiện tại người dân luôn duy trì từ 45-50 lò sấy to nhỏ. Sản lượng nhãn tiêu thụ tại đây trung bình hằng năm từ 250-300 tấn nhãn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các lò sấy ở đây đều bỏ không.

Anh Nguyễn Văn Hải, Thôn 2 chia sẻ: Nhãn sấy long thường là loại nhãn muộn, cây lâu năm. Hiện tại giá nhãn rất rẻ chỉ từ 2 -3 nghìn đồng/kg, nhưng ngược lại thuê công bẻ lại rất cao. Trung bình, mỗi công bẻ nếu thuê phải mất từ 300 – 350 nghìn đồng, cộng thêm tiền than, thuê người bóc đến khi thành phẩm thì hầu như không có lãi. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, thị trường Trung Quốc chưa mở cửa trở lại, chưa biết giá long thế nào nên không hộ nào sấy.

Có thể nói, bài toán “được mùa, mất giá” vẫn luôn là nỗi lo canh cánh của người nông dân, không chỉ đối với cây nhãn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, như: chưa có quy hoạch phát triển vùng phù hợp; người nông dân chủ yếu trồng tự phát, giống nhãn không bảo đảm chất lượng, khó cạnh tranh trên thị trường.

Để giải quyết vấn đề này, cần có quy hoạch trong trồng cây ăn quả nói chung và cây nhãn nói riêng. Ngành chức năng, chính quyền cần sớm đưa ra các giải pháp quy hoạch vùng, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn người dân chọn giống nhãn bảo đảm chất lượng, chăm sóc theo đúng quy trình để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” như hiện nay.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.