Mở rộng diện tích gieo trồng cây màu hàng hóa vụ xuân

Cây màu hàng hóa được xác định giúp nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất vụ xuân; đồng thời, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ trên đồng ruộng. Hiện nay, diện tích gieo trồng cây màu vụ xuân của cả tỉnh đạt gần 4.400 ha; trong đó, cây màu vụ xuân trên đất bãi có diện tích hơn 3.000 ha, còn lại chuyển đổi trồng trên đất lúa cốt cao và đất chân mạ mùa.

Nhìn vào cơ cấu cây màu vụ xuân cho thấy, các địa phương đang chuyển mạnh sang hướng trồng cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Cụ thể, cây dưa chuột có kế hoạch trồng gần 400 ha, bí xanh và bí đỏ 143 ha, rau thực phẩm hơn 1.100 ha… Cây ngô xuân có diện tích lớn nhất 1.700 ha, cơ bản được người dân thay trồng ngô tẻ lấy hạt bằng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc và ngô nếp, ngô ngọt. Các loại ngô này đang trở thành hàng hóa, có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường. Riêng ngô nếp đang được người dân các địa phương mở rộng diện tích, chủ yếu ở vùng chuyển đổi trên đất 2 lúa, bán thương phẩm và phục vụ chế biến ngô sấy…

Bà Trần Thị Nga, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) cho biết: Trong xây dựng kế hoạch vụ xuân của tỉnh, ngành nông nghiệp hướng đến phát triển các loại cây màu hàng hóa vụ xuân. Trong đó, lựa chọn những loại cây trồng thế mạnh, cho giá trị kinh tế cao và có sức cạnh tranh tốt trên thị trường. Chi cục thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cây trồng vụ xuân cho người dân trong quá trình sản xuất…

Tìm hiểu tại huyện Kim Bảng, một trong những địa phương phát triển mạnh cây hàng hóa, diện tích gieo trồng đạt hơn 770 ha, gồm các loại cây hàng hóa chủ lực, như: Ngô 250 ha (chủ yếu ngô nếp và ngô ngọt), dưa chuột 220 ha, bí xanh và bí đỏ 56 ha… Trên địa bàn huyện hình thành những vùng trồng cây màu hàng hóa vụ xuân tập trung, như: Xã Lê Hồ trồng 31 ha dưa chuột, 7 ha ngô nếp; Tượng Lĩnh trồng 10ha dưa chuột, 8ha ngô nếp; Nhật Tân trồng 12 ha ngô nếp, 20ha dưa chuột, Đồng Hóa trồng khoảng 30ha, cả dưa chuột và ngô nếp… Từ đó, hình thành nguồn cung cấp nông sản hàng hóa tập trung cho chế biến, nhu cầu thị trường.

Mở rộng diện tích gieo trồng cây màu hàng hóa vụ xuân
Nông dân xã Văn Xá (Kim Bảng) chăm sóc  dưa chuột vụ xuân mới trồng.

Theo bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Kim Bảng, để mở rộng cây màu hàng hóa vụ xuân, phòng đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương, HTXDVNN quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, làm tốt dịch vụ tiêu thụ nông sản hàng hóa, nhất là sản phẩm dưa chuột xuất khẩu, dưa nếp phục vụ nhu cầu của thị trường. Diện tích cây hàng hóa vụ xuân trên địa bàn huyện duy trì và được mở rộng hằng năm. Đây cũng là biện pháp thu hút lực lượng lao động nông thôn, nhất là lao động lớn tuổi không thể chuyển sang làm các ngành nghề khác. Việc chuyển đổi sản xuất cây trồng phù hợp nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập đã giúp người dân tích cực sản xuất, không bỏ ruộng…

Thực tế cho thấy, các loại cây màu hàng hóa sản xuất trong vụ xuân đã đem lại giá trị kinh tế và thu nhập cao cho người dân. Cụ thể, cây dưa chuột (cả dưa bán thương phẩm và dưa xuất khẩu) cho giá trị bình quân 7 – 10 triệu đồng/sào, trừ chi phí người dân thu lợi từ 5 – 8 triệu đồng. Từ hiệu quả đem lại, cây dưa chuột vẫn được duy trì ở các địa phương, một số nơi mở rộng diện tích sản xuất, như xã Văn Xá (Kim Bảng) sản xuất cây dưa chuột ở cả 3 vụ trong năm (vụ xuân, vụ hè thu và vụ đông), tổng diện tích lên đến gần 100 ha; xã Chân Lý (Lý Nhân) phát triển cây dưa chuột (chủ yếu cây dưa chuột xuất khẩu) cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn, diện tích từ 20 đến hơn 60 ha mỗi vụ trong năm (vụ xuân và vụ đông)…

Với cây ngô, người dân mở rộng diện tích trồng ngô nếp, ngô ngọt đạt giá trị kinh tế cao, từ 4 – 5 triệu đồng/sào/vụ. Sản phẩm ngô nếp đều được các đại lý và doanh nghiệp về thu mua ngay tại ruộng, giá bán cao, ổn định. Như trong vụ đông 2022 vừa qua, giá ngô nếp được bán ra thị trường với giá lên đến 14 – 15 nghìn đồng/kg, cao gấp 1,5 lần những vụ trước… Ngay cây ngô sinh khối, người dân trồng quy mô tập trung bán làm thức ăn chăn nuôi đạt giá trị hơn 1 triệu đồng/sào/vụ, cao hơn trồng ngô tẻ lấy hạt trước đây; ít tốn công chăm sóc, thu hoạch, bảo quản.

Với rau thực phẩm vụ xuân cơ bản đều đem lại giá trị ổn định, những vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP đã bán tại những cửa hàng nông sản sạch, hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh… Giá trị sản xuất trên diện tích canh tác trồng cây màu hàng hóa vụ xuân, vụ lúa mùa và vụ đông trong năm đã đạt bình quân hơn 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp gần 2 lần giá trị sản xuất bình quân chung cả tỉnh.

Người dân tại những vùng sản xuất cây vụ xuân hàng hóa chia sẻ: Sản xuất cây hàng hóa vụ xuân, nhất là trên đất lúa giúp giải quyết được khá nhiều khó khăn. Đặc biệt, những vùng đất cấy lúa cốt cao trước đây luôn rất khó lấy nước làm đất đầu vụ. Diện tích đất mạ mùa không cấy trong vụ xuân chuyển sang trồng cây màu giúp chủ động giải phóng đất để gieo mạ trà mùa sớm, thuận lợi cho sản xuất vụ đông…

Cây màu hàng hóa đã trở thành hướng đi chính trong sản xuất vụ xuân song song với cây lúa. Được biết, khi xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mới, các địa phương đều quan tâm đến quy hoạch vùng, bố trí diện tích đất lúa chuyển đổi trồng các loại cây hàng hóa vụ xuân. Các HTXDVNN cũng nâng cao chất lượng các loại dịch vụ tạo điều kiện và thúc đẩy sản xuất cây màu hàng hóa vụ xuân phát triển. Đẩy mạnh phát triển cây màu hàng hóa vụ xuân đã giúp nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân, thu hút lao động nông thôn...

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy