Mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở HTXDVNN La Sơn

Sản xuất nông sản hữu cơ nói chung, lúa hữu cơ nói riêng nhằm thay đổi phương thức sản xuất và hướng đến hiệu quả vượt trội so với sản xuất thông thường. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ được triển khai tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) La Sơn (Bình Lục) không nằm ngoài mục đích đó. Ngành chức năng và cơ sở sản xuất đang từng bước có giải pháp phù hợp. Đó là, tập trung bảo đảm chất lượng và xúc tiến thương mại tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. 

Bảo đảm quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ

Mô hình lúa hữu cơ tại HTXDVNN La Sơn có diện tích 10 ha được triển khai thực hiện từ đầu năm 2021 trải qua vụ xuân, vụ mùa và hiện nay là vụ xuân 2022, được quy hoạch gọn vùng. Theo quy trình, để được chứng nhận sản phẩm hữu cơ vùng sản xuất lúa phải trải qua 3 vụ liên tiếp.

Để sản xuất lúa hữu cơ, ngay từ khi xây dựng kế hoạch HTXDVNN La Sơn đã phải lựa chọn, bố trí gọn vùng, không quá sát với diện tích sản xuất lúa thông thường của bà con; thuận tiện tưới, tiêu cho mùa vụ. Trước khi đi vào sản xuất, mẫu đất, mẫu nước đã được đưa đi xét nghiệm bảo đảm đủ tiêu chuẩn, không nhiễm asen, kim loại nặng… Cây lúa được bón chủ yếu bằng phân hữu cơ, phân vi sinh, hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học, nhất là đạm (lượng đạm hiện chỉ còn dùng 2 kg/sào/vụ, giảm trên 70%  khối lượng so với trước). 

Quá trình sản xuất lúa hữu cơ, HTXDVNN La Sơn tuân thủ tuyệt đối việc không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc diệt ốc bươu vàng. Thay vào đó, đất cấy được làm kỹ giúp diệt trừ cỏ dại; đồng thời, kiểm soát tốt nguồn nước hạn chế nguồn ốc bươu vàng xâm nhập vào ruộng, ốc bươu vàng được diệt trừ thủ công (thuê người bắt) qua mỗi vụ sản xuất. Đối với sâu, bệnh, khi xuất hiện và đến ngưỡng diệt trừ được sử dụng bằng các loại thuốc sinh học, ít độc hại… Đặc biệt, lúa được cấy bằng máy với khoảng cách thưa, thoáng giúp hấp thụ ánh sáng, quang hợp tốt, hạn chế đáng kể được sâu, bệnh phát sinh và gây hại. Ngoài ra, HTXDVNN La Sơn đang triển khai trồng xung quanh bờ vùng cây trà đắng có tác dụng ngăn chặn một số loại côn trùng xâm nhập vào ruộng lúa hữu cơ. 

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở HTXDVNN La Sơn
Cán bộ HTXDVNN La Sơn (Bình Lục) kiểm tra sinh trưởng trên diện tích lúa hữu cơ.

Thực tế, mô hình lúa hữu cơ tại HTXDVNN La Sơn cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội so với cấy lúa thông thường. Cụ thể, giảm được toàn bộ chi phí thuốc diệt cỏ và thuốc diệt trừ ốc bươu vàng, giảm 30% chi phí thuốc phun phòng trừ sâu, bệnh trong mùa vụ, giúp bảo vệ tốt môi trường đồng ruộng và sức khỏe người sản xuất. Đặc biệt, lúa giảm phần lớn lượng phân đạm giúp giảm rất nhiều chi phí sản xuất, nhất là trong điều kiện giá phân đạm tăng rất cao, gần 20 nghìn đồng/kg. Theo dự tính, giá trị sản phẩm lúa hữu cơ cao hơn khoảng trên 15% so với lúa sản xuất bình thường…
Trải qua 2 vụ sản xuất của năm 2021, HTXDVNN La Sơn đã thành công trong việc sản xuất lúa theo đúng quy trình hữu cơ, được cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp theo dõi, đánh giá. Vụ xuân 2022 sản xuất lúa hữu cơ của HTX sẽ chính thức được cấp chứng nhận. Theo ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc      HTXDVNN La Sơn, hiện nay, tại HTX đã hình thành vùng sản xuất lúa hữu cơ. Vấn đề tiếp theo là đưa sản phẩm được gắn thương hiệu hữu cơ ra thị trường đúng với giá trị.

Xây dựng thương hiệu lúa hữu cơ

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm (Sở NN & PTNT), đơn vị chỉ đạo và triển khai mô hình lúa hữu cơ tại HTXDVNN La Sơn cho biết: Ngay từ khi xây dựng mô hình, Chi cục đã định hướng cho HTXDVNN La Sơn đưa giống lúa chất lượng vào sản xuất, tạo thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm gạo hữu cơ.

Từ định hướng xúc tiến thương mại sản phẩm gạo hữu cơ, các vụ sản xuất HTXDVNN La Sơn đều bố trí các giống lúa chất lượng dễ tiêu thụ. Với 2 vụ sản xuất của năm 2021, cấy giống lúa Bắc thơm số 7, HTXDVNN La Sơn đã liên kết cùng Công ty TNHH Long Vũ (thị trấn Bình Mỹ - Bình Lục) thu mua toàn bộ sản phẩm. Riêng vụ xuân 2022 khi sản phẩm đủ điều kiện chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, HTXDVNN La Sơn đã cấy giống lúa chất lượng ST25 đang được thị trường ưa chuộng.

Để sản phẩm gạo ST25 hữu cơ phát huy được đúng giá trị, HTXDVNN La Sơn đang tiến hành xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm tiếp tục tìm, liên hệ với các đối tác tiêu thụ sản phẩm. HTX hướng đến đưa sản phẩm gạo hữu cơ vào siêu thị và chuỗi cửa hàng bán nông sản sạch tại những thành phố lớn, nhất là thị trường Hà Nội… Được biết, HTXDVNN La Sơn đang hướng đến đăng ký sản phẩm lúa hữu cơ được chứng nhận OCOP (theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc HTXDVNN La Sơn chia sẻ: Chỉ khi sản phẩm được bày bán ở phân khúc thị trường dành cho các khách hàng có điều kiện kinh tế cao mới phát huy được giá trị và khi đó mô hình sản xuất lúa hữu cơ của HTX mới thực sự thành công.

Sản xuất sạch, hữu cơ đang là định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy “Về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Việc mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại HTXDVNN La Sơn chính là việc làm thiết thực, cụ thể hóa nghị quyết, thể hiện sự nhạy bén, năng động của cấp ủy, chính quyền địa phương và HTX, mở ra hướng sản xuất mới trên địa bàn và các địa phương khác trong tỉnh. 

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.