Lựa chọn hình thức tập trung, tích tụ đất đai phù hợp với thực tiễn

Từ năm 1997 đến nay, Hà Nam đã 2 lần dồn đổi đất nông nghiệp từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán. Hiện bình quân mỗi hộ chỉ còn từ 1,2-1,7 thửa.

Tuy nhiên, bình quân đất nông nghiệp theo đầu người ở mức thấp, chỉ từ 600-650 m2/khẩu cùng với sản xuất quy mô nhỏ là yếu tố làm chậm tiến trình chuyển dịch nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, giảm hiệu quả sử dụng đất và năng suất lao động.

Mô hình thuê quyền sử dụng đất của nông dân HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp (Thi Sơn, Kim Bảng) cho hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Nông dân đang thu hoạch bắp cải để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, Hà Nam đang tích cực thực hiện tích tụ, tập trung (TTTT) ruộng đất gắn với thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Chủ trương TTTT đất nông nghiệp được cụ thể hóa bằng nghị quyết, kế hoạch, đề án. Hiện nay, tỉnh ta đã quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 650 ha. Ngoài khu quy hoạch, các HTX, nông dân ở nhiều địa phương cũng TTTT ruộng đất, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng, lúa giống, cây ăn quả, rau, củ… với tổng diện tích hơn 1.800 ha.

TTTT ruộng đất đang được khuyến khích, song trên thực tế, quá trình thực hiện lại gặp nhiều khó khăn, một phần do cơ sở pháp lý thực hiện TTTT đất nông nghiệp quy mô lớn chưa đầy đủ. Doanh nghiệp đang tham gia vào quá trình TTTT dưới hình thức mua, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn, nhưng cơ sở để người dân góp vốn, góp cổ phần bằng đất, cơ sở tính giá đất, ưu đãi lãi suất… thiếu tính bền vững.  

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai 2013 xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Luật cũng quy định hạn mức giao đất đối với từng loại đất, trong đó có đất nông nghiệp. Đó là căn cứ để thực hiện TTTT đất đai. Tuy nhiên, khó ở chỗ, pháp luật về đất đai cũng quy định hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ không được phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa; hộ gia đình cá nhân có hộ khẩu thường trú không cùng đơn vị hành chính cấp xã không được chuyển nhượng đất trồng lúa để sản xuất nông nghiệp; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thuê đất nông nghiệp  trực tiếp với các hộ dân…

Không chỉ vướng các quy định của pháp luật, tâm lý giữ đất của nông dân khiến cho quá trình TTTT đất nông nghiệp khó thực hiện. Nhiều nơi, nông dân mặc dù không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn giữ đất, không cho thuê quyền sử dụng cũng không hợp tác trong thực hiện dồn đổi vị trí. Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chưa phát triển cũng là một trong những yếu tố làm chậm quá trình TTTT ruộng đất. Nông dân tích tụ đất đai nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Chính quyền địa phương băn khoăn không biết nên khuyến khích tập trung hay tích tụ ruộng đất cho phù hợp với điều kiện thực tiễn…

Trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học - Thực tiễn về “TTTT ruộng đất và đổi mới hình thành tổ chức sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng Bắc Bộ trong điều kiện mới” do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức trong tháng 9/2019, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: TTTT đất nông nghiệp là động lực mới cho phát triển nông nghiệp. Nhưng hiện nay, thị trường thứ cấp về quyền sử dụng đất đai tại khu vực nông thôn gần như mọi giao dịch đất đai không được đăng ký chính thức và thực hiện theo các thủ tục hành chính về quản lý đất đai. Các giao dịch về đất đai ở nông thôn thực hiện trong khu vực phi chính thức coi như thị trường thứ cấp rất yếu kém… Giáo sư Đặng Hùng Võ đề xuất nên khuyến khích tập trung ruộng đất hơn là tích tụ ruộng đất. Vì, tích tụ đất đai sẽ làm cho nông dân mất đất. Tập trung ruộng đất nên dựa vào quy mô hộ gia đình, HTX và mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân để thực hiện. Trong đó, mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng lớn đang phát huy hiệu quả tốt.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo này, Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Cấp, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: Điều kiện tích tụ ruộng đất chủ yếu liên quan đến hành lang pháp lý, trước hết là chính sách, Luật Đất đai và hoạt động của thị trường quyền sử dụng đất. Hiện tượng “đóng băng” ruộng đất (bỏ hoang, không canh tác, không chuyển nhượng, cho thuê) cũng bắt nguồn từ chính sách hạn điền đã tạo cho nông dân có tâm lý - quyền sử dụng đất là “của để dành”, gây cản trở quá trình TTTT ruộng đất.

Dù còn vướng mắc, nhưng các hình thức TTTT ruộng đất vẫn đang diễn ra. Chủ yếu là: Doanh nghiệp tư nhân, HTX hợp tác sản xuất với hộ nông dân theo phương thức nông dân góp đất, doanh nghiệp đầu tư vốn;  doanh nghiệp thuê đất của nông dân và thuê lao động trong các hộ nông dân, hộ nông dân được hưởng tiền thuê đất và được trả công lao động cao hơn so với thời điểm chưa cho thuê đất; doanh nghiệp góp vốn bằng việc mua quyền sử dụng đất của nông dân để tổ chức sản xuất, hai bên cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro… Mỗi hình thức này đều có điểm mạnh và những hạn chế riêng.

Lựa chọn hình thức nào để khuyến khích TTTT ruộng đất là tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, cũng như nhu cầu của các bên tham gia. Vấn đề ở chỗ, quyền sử dụng đất là hàng hóa đặc biệt, được pháp luật bảo hộ. TTTT đất đai mang tính hai mặt của một vấn đề, có thể tạo ra tác động tích cực, mặt khác có thể gây nên những tác động trái chiều, tiêu cực. Do đó, chính sách và giải pháp TTTT ruộng đất vừa phải thúc đẩy, vừa phải giải quyết được các vấn đề xã hội nảy sinh. Ngoài việc tạo điều kiện phát triển hiệu quả thị trường thứ cấp về quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, giải pháp rút lao động ra khỏi nông nghiệp, hỗ trợ thay đổi sinh kế cho nông dân là yếu tố quan trọng không thể thiếu.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy