Làm gì để phát huy hiệu quả “Chứng nhận sản phẩm Hà Nam” cho quả na Ba Sao?

Năm 2019, được sự phối hợp hướng dẫn của Hội Nông dân huyện Kim Bảng, Hội Nông dân thị trấn Ba Sao đã triển khai đăng ký xây dựng thương hiệu “Chứng nhận sản phẩm Hà Nam” cho quả na đối với các hộ ở Chi hội trồng na Ba Sao. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa phát huy được hiệu quả của chứng nhận này. Đây cũng là một trong những băn khoăn, trăn trở, kiến nghị của hội viên nông dân ở Ba Sao đến các cấp chính quyền ở Kim Bảng.

Hiện vùng trồng na của thị trấn Ba Sao có khoảng 200ha đã có Giấy chứng nhận “Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh sản phẩm” do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nam cấp ngày 25/7/2018 và có hiệu lực đến ngày 25/7/2021.

Ngày 05/12/2018 được Công ty TNHH công nghệ Nho Nho cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm quả na cho 6 hộ tại tổ 7 thị trấn Ba Sao với diện tích 15ha và có hiệu lực đến ngày 4/12/2020. Ngày 10/1/2019, Chi hội trồng na gồm 30 hội viên của Chi hội 5, 6, 7, 8 – Hội Nông dân thị trấn Ba Sao được thành lập và ra mắt. Ngày 19/9/2019, Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam cho Chi hội trồng na (HTXDVNN Ba Sao).

Làm gì để phát huy hiệu quả “Chứng nhận sản phẩm Hà Nam” cho quả na Ba Sao
Thu hoạch na ở Ba Sao. Ảnh: Chu Uyên

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ba Sao, kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam đến nay, sản phẩm quả na Ba Sao vẫn chưa phát huy được hiệu quả thực sự, khiến cho bà con nông dân, các hội viên trồng na gặp khó khăn và tâm lý không yên tâm trong thực hiện chương trình sản xuất sạch, họ phải “lên tiếng” cần sự giúp đỡ và giải pháp tháo gỡ của chính quyền huyện, thị trấn. 

Trên thực tế, mặc dù phải tuân thủ hàng loạt yêu cầu để đạt chuẩn VietGAP nhưng sản phẩm na sạch của Ba Sao vẫn chưa dễ dàng chinh phục được người tiêu dùng vì chủ yếu vẫn là tiêu thụ ở khu vực chợ dân sinh. Trong khi đó, trên thị trường, sản phẩm quả na cũng được bày bán rất nhiều, người mua hầu hết chưa quan tâm sản phẩm có đạt VietGAP hay được cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hay không, mà thường tiện đâu, mua đấy.

Na Ba Sao được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp chứng nhận “Sản phẩm Hà Nam” trải qua quá trình kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc cây cho đến khi thu hoạch…, bảo đảm nhu cầu sử dụng nông sản an toàn của người dân. Vì là sản phẩm sạch nên giá luôn cao hơn các loại hoa quả chưa đạt tiêu chuẩn khác, do vậy cũng rất khó tiêu thụ ngoài thị trường. Bên cạnh đó, cũng có một lượng người mua còn tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào nguồn gốc, chất lượng của nông sản sạch nói chung, sản phẩm quả na sạch Ba Sao nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Quyết cho biết thêm: Chi hội trồng na cũng đã thực hiện liên kết 4 nhà để nâng cao hiệu quả trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của người dân. Tuy nhiên, giá trị, hiệu quả kinh tế của quả na Ba Sao vẫn chưa thực sự được phát huy gây tâm lý lo lắng cho người trồng na, và nếu như thực tế này không được tháo gỡ kịp thời sẽ có tác động đến sự phát triển bền vững của các mô hình sản xuất nông sản sạch nói chung, quả na Ba Sao nói riêng. 

Được biết, trước những băn khoăn, lo lắng và ngay sau khi nhận được kiến nghị của người trồng na Ba Sao, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với UBND, Hội Nông dân thị trấn Ba Sao để kiểm tra thực tế và đã có những phản hồi cụ thể tại một hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện với cán bộ, hội viên nông dân năm 2020.

Bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bảng cho biết: Năm 2019, huyện đã tích cực xúc tiến thương mại đăng ký sản phẩm na Ba Sao vào chương trình dự thi mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tuy nhiên, do không bảo đảm các điều kiện, yêu cầu cũng như chất lượng sản phẩm, vì vậy sản phẩm quả na Ba Sao đã không đạt được là sản phẩm OCOP và năm 2020, Ba Sao không đăng ký sản phẩm OCOP đối với quả na. 

Cũng theo bà Phượng, để tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm na Ba Sao, Chi hội trồng na thị trấn Ba Sao cần tiếp tục áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn để tạo niềm tin cho khách hàng, người tiêu dùng. Đồng thời, phải đứng ra tổ chức sản xuất, chào bán, giới thiệu sản phẩm, xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm; nâng cao năng lực tổ chức kinh doanh, thu gom, tập kết sản phẩm… Có như vậy mới tìm được đầu ra cho sản phẩm tại các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị, nâng cao giá trị sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sản phẩm na Ba Sao. 

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.