Không hoang mang trước bệnh dịch tả lợn châu Phi

Kể từ khi trên địa bàn tỉnh ghi nhận có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) ở xã Văn Xá (Kim Bảng), đến nay, bệnh dịch đã xuất hiện ở 13 xã. Mặc dù ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã tăng cường tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, song tâm lý lo lắng, e ngại của người tiêu dùng khiến cho việc khôi phục phát triển chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn.

 

Một quầy bán thịt lợn ở chợ Bầu (TP. Phủ Lý).

Chị Lê Thị Nga, người bán thịt lợn ở chợ Bầu (thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Cứ mỗi lần có dịch bệnh gia súc, gia cầm là sức mua của người tiêu dùng giảm hẳn. Kể từ khi xuất hiện DTLCP, một số người không ăn thịt lợn nữa. Chúng tôi đã giải thích rõ nguồn gốc sản phẩm, song không ít người vẫn nghi ngờ bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Khi những lo ngại về bệnh DTLCP vừa lắng xuống được ít ngày thì thông tin về sán lợn ở Bắc Ninh lại bùng lên. Các hộ kinh doanh thịt lợn lại rơi vào tình trạng ế ẩm. Người tiêu dùng e ngại thịt lợn không chỉ người kinh doanh khó khăn mà các hộ chăn nuôi lợn cũng bị thua lỗ do không bán được sản phẩm. Trước khi có bệnh DTLCP, chị Nga bán khoảng 70-80 kg lợn mỗi ngày, từ khi có dịch, chị Nga chỉ bán được 30-40 kg.

Không chỉ có thịt lợn tươi sống, mặt hàng thực phẩm được chế biến từ thịt lợn cũng bị ảnh hưởng. Chị Lê Thị Hương, người bán giò, chả nem ở phường Lam Hạ (TP.Phủ Lý) giãi bày: Người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe là điều dễ hiểu. Biết DTLCP không lây sang người, nhưng khách hàng vẫn e ngại. Mong sao dịch bệnh qua nhanh để hoạt động kinh doanh trở lại bình thường…

Hơn một tháng qua, cung - cầu mặt hàng thịt lợn trên thị trường lên xuống thất thường. Có lúc, thịt lợn hơi chỉ còn 30.000 đồng/kg, gần đây đã nhích dần lên, tăng khoảng 4-7 giá, nhưng sức mua vẫn còn khá thấp. Huyện Duy Tiên đã ghi nhận có 3 xã (Bạch Thượng, Châu Giang và Chuyên Ngoại) có DTLCP. Để người dân không hoang mang trước bệnh dịch, Duy Tiên kêu gọi người dân đồng hành cùng ngành chức năng trong việc phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Ghi nhận của chúng tôi ở những xã có bệnh DTLCP, ý thức của người chăn nuôi trong việc phòng, chống dịch bệnh đã nâng lên rõ rệt. Người chăn nuôi hiểu về mức độ nguy hiểm của dịch, nhưng cũng lo lắng, bất an và không muốn tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi. Người chăn nuôi bất an vì giai đoạn cao điểm của bệnh DTLCP chưa qua đi, trong khi, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, trong nông hộ luôn khó kiểm soát được các nguyên nhân lây lan dịch bệnh. Nếu tình trạng này tiếp diễn và tăng lên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển chăn nuôi lợn.

Sở NN&PTNT vẫn đang sát sao phối hợp với các địa phương khống chế sự lây lan của DTLCP. Kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong những năm qua ở tỉnh ta cho thấy, người chăn nuôi không nên hoang mang mà cần bình tĩnh ứng phó với bệnh dịch. Bên cạnh đó, rất cần sự đồng hành, chia sẻ khó khăn của người tiêu dùng đối với ngành chăn nuôi. Vì nếu đầu ra cho thịt lợn gặp khó khăn, người chăn nuôi bị thua lỗ, thậm chí kiệt quệ không có khả năng tái đầu tư chăn nuôi trở lại, làm giảm quy mô tổng đàn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của ngành nông nghiệp.

UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên chức năng và UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh DTLCP để người dân yên tâm và đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn ngừa và kiểm soát lây lan dịch bệnh. Trong thời điểm hiện nay, cần tăng cường năng lực chuyên môn thú y, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ cho người chăn nuôi về phòng, chống bệnh DTLCP; hướng dẫn, cung cấp tài liệu kỹ thuật cho các cơ quan chuyên môn thú y và người chăn nuôi.

Ngành chức năng cần có những giải pháp khuyến khích hiệu quả để người dân phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt. Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán kinh doanh thịt lợn thực hiện nghiêm túc 5 “Không” theo quy định của Luật Thú y; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, không thực hiện các biện pháp chống dịch, để dịch lây lan. Thường xuyên cung cấp thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho các cơ quan truyền thông đưa tin theo tinh thần vừa bảo đảm chống được dịch bệnh, vừa bảo đảm bảo vệ và phát triển chăn nuôi, tránh để người dân và cộng đồng hoang mang.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy