Không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn lợn ở các tỉnh trong khu vực diễn biến hết sức phức tạp. Để hiểu rõ về vấn đề này và những biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong mùa đông này, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hà, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN & PTNT).

P.V: Có thông tin về dịch bệnh LMLM trên đàn lợn xuất hiện ở tỉnh ta, xin ông cho biết dịch bệnh nguy hiểm này đang diễn biến như thế nào?

Ông Đỗ Mạnh Hà: Tình hình dịch bệnh LMLM gia súc đang diễn biến hết sức phức tạp tại một số tỉnh, thành phố trong khu vực như Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình… Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay cũng đã xuất hiện một số trường hợp hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ có biểu hiện các triệu chứng nghi mắc bệnh LMLM như hộ ông Quân xã Công Lý (Lý Nhân) có 04 con lợn thịt và hộ bà Vân, xã Hoàng Tây (Kim Bảng) có 15 con lợn con trọng lượng từ 7-10kg.

Trước thông tin Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa về dịch LMLM tại một số địa phương trong tỉnh, ngày 27/12/2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức kiểm tra và lấy 6 mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn của bà Vũ Thị Vân, xóm Đông (xã Hoàng Tây, Kim Bảng) gửi đi xét nghiệm. Kết quả, cả 6 mẫu bệnh phẩm đều âm tính với chủng vi rút LMLM type 0, LMLM type A và Asian1.

Đàn lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Mừng, xã Nhật Tân (Kim Bảng) thường xuyên được tiêm phòng bảo vệ trước dịch bệnh.

P.V: Dịch bệnh LMLM rất dễ xuất hiện trong điều kiện thời tiết như hiện nay, tại các tỉnh phía Bắc dịch bệnh lại đang bùng phát mạnh. Vậy ngành chức năng đã triển khai những biện pháp gì để phòng, chống không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng?

Ông Đỗ Mạnh Hà: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh LMLM tại một số tỉnh trong khu vực, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động tham mưu với Sở NN & PTNT ban hành Công văn số 857/SNN-CN&TY ngày 17/12/2018 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, cấp 4.000 lít hóa chất cho các địa phương triển khai thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Chi cục đã thành lập 02 đoàn phối hợp với Phòng NN & PTNT các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh LMLM trên đàn lợn toàn tỉnh. Lực lượng thú y cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện dịch bệnh sớm, báo cáo, xử lý kịp thời khi ổ dịch mới phát sinh, còn ở diện hẹp. Chỉ đạo triển khai tốt tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm trong tháng 1, tháng 2/2019, nhất là các loại vắc - xin được tỉnh hỗ trợ như LMLM gia súc, dịch tả lợn và vắc - xin dại. Với các hộ chăn nuôi, khi lợn có các triệu chứng nghi mắc bệnh LMLM yêu cầu chủ hộ lập bản cam kết không bán chạy, không giết thịt đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp khoanh vùng khống chế, dập dịch theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch không để cho dịch bệnh bùng phát và lây lan trên địa bàn tỉnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: LMLM gia súc, dịch tả lợn,  cúm gia cầm…

Đặc biệt, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến người dân, có định hướng dư luận không để tình trạng phao tin về dịch bệnh gây thiệt hại đến chăn nuôi. Vừa qua, khi có thông tin dịch bệnh LMLM xuất hiện trên địa bàn tỉnh, giá lợn hơi tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm ở xã Bối Cầu (Bình Lục) đã xuống dưới 40 nghìn đồng/kg.

P.V: Dịp cuối năm tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trong khi việc buôn, bán vận chuyển động vật gia tăng. Các địa phương và người dân cần thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi như thế nào?

Ông Đỗ Mạnh Hà: Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, mưa phùn, ẩm ướt sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sức đề kháng của đàn vật nuôi. Bên cạnh đó việc buôn, bán vận chuyển động vật gia tăng sẽ là nguy cơ bùng phát và lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi rất lớn. Để công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi có hiệu quả người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, chuồng trại cần phải luôn khô ráo, không ẩm ướt, có hệ thống bạt che chắn giữ ấm cho đàn vật nuôi, tránh gió lùa.

Hai là, con giống phải được mua ở những cơ sở có uy tín, có chứng nhận an toàn dịch bệnh, có giấy kiểm dịch của cơ quan chuyên môn.

Ba là, cần cung cấp đầy đủ thức ăn bảo đảm cân đối dinh dưỡng và nước uống sạch cho đàn vật nuôi, không chăn thả gia súc trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 120C. Đối với trâu, bò, bổ sung vitamin C, Bcomplex để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Các hộ thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin nhất là vắc - xin LMLM, dịch tả… cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Định kỳ thực hiện vệ sinh chuồng trại, môi trường, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng 1 lần/tuần. Có biện pháp kiểm soát chó mèo, động vật hoang như chim, chuột… không cho tiếp xúc với vật nuôi để tránh lây lan mầm bệnh từ bên ngoài vào trại. Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, cách ly điều trị kịp thời đối với những con có biểu hiện bất thường. Người dân cần báo ngay với cán bộ thú y và chính quyền cơ sở khi đàn vật nuôi có biểu hiện ốm chết, nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm để có biện pháp khoanh vùng xử lý kịp thời, không được bán chạy hoặc vứt xác động vật chết ra môi trường làm lây lan dịch.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mạnh Hùng (Thực hiện)

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy