Hội nghị trực tuyến ngành NN&PTNT triển khai nhiệm vụ năm 2019

Sáng 3/1, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Văn Đồng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo đại diện các Sở, ngành địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Năm 2018, ngành NN&PTNT tiếp tục khẳng định xu thế, chuyển đổi cơ cấu ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành và vượt 5/5 chỉ tiêu đó là: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76%, cao nhất 7 năm trở lại đây; giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 42,4%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 40,02 tỷ USD.

Trong năm, các địa phương trong cả nước đã chuyển 105 ngàn ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây mầu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,52%. Điểm nhấn trong năm 2018 là các địa phương đã tổ chức các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản kịp thời thông qua hội nghị, lễ hội, diễn đàn kết nối tiêu thụ và quảng bá nông sản, giảm thiểu tình hình ứ đọng sản phẩm, giảm thiệt hại cho người sản xuất.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi có chuyển biến rõ nét. Tổng sản lượng thịt hơi đạt 5,36 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2017, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98%. Tổng sản lượng thủy sản đạt 7,75 triệu tấn, tăng 6,1% … Đặc biệt, nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp, đến nay cả nước có 3.787 xã (42,4%), 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,33 tiêu chí/xã.

Trong năm 2018, các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục được sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả; doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh, yên tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, là nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Trong năm, có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, tăng 12,3% so với năm 2017, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp trong cả nước đạt 9.235 doanh nghiệp ...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nông nghiệp nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế cần khắc phục đó là: Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro, trong khi năng lực quản trị công tác dự báo cung, cầu còn bất cập. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, quản lý ATTP vẫn còn rất khó khăn, phức tạp. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn, một số địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tham luận tại hội nghị.

Tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo nhanh một số kết quả nổi bật của Hà Nam trong năm 2018. Cụ thể: Thu ngân sách nhà nước đạt 7.601 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản đạt 7.757,7 tỷ đồng; có 67 xã đã tổ chức tích tụ tập trung, liên kết sản xuất được 1.170ha với 108 mô hình sản xuất lúa, rau, củ quả tham gia chuối liên kết nông sản sạch … Một trong những khó khăn lớn nhất trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Hà Nam là tình trạng ruộng đất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, gây khó khăn đối với việc đưa cơ giới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất … Hà Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng sớm cho phép Hà Nam thực hiện Đề án thí điểm cơ chế tích tụ, tập trung đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp; các bộ ngành Trung ương quan tâm giới thiệu để Hà Nam có thêm nhiều doanh nghiệp về đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp …

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Với ý chí và quyết tâm cao, năm 2018 nông nghiệp nước ta đã đạt kết quả vượt bậc, có nhiểu điểm sáng, nhiều điểm mới, có những bứt phá ngoạn mục, đạt thành tích xuất sắc, toàn diện, đời sống của người dân ở các vùng miền được nâng lên một bước.

Biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao kết quả ngành nông nghiệp đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Thời gian tới ngành nông nghiệp cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, khơi ngợi được khát vọng của dân tộc, phấn đấu trong 10 năm nữa Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải vào nhóm 10 nước của thế giới …

Để thực hiện mục tiêu đề ra, cần phải có thể chế pháp luật tốt, xóa bỏ thể chế pháp luật lạc hậu để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến mới.Tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hơn mô hình tăng trưởng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Làm tốt công tác thị trường, bao gồm dự báo cung cầu, phát triển thị trường mới. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp.

Tiếp tục xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó coi trọng tiêu chí thu nhập, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu, chú trọng tới nâng cao đời sống của người dân. Tiếp tục thực hiện quản lý chặt về chất lượng vật tư nông nghiệp. Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo ứng phó với thiên tai, không để bị động, bất ngờ xảy ra…

Theo kế hoạch, năm 2019, ngành NN&PTNT phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%, kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ USD, có 50% số xã và ít nhất 70% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, hướng tới “Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh” toàn ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Tiếp tục cơ cấu lại ngành và đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Phát triển nông thôn, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý tài nguyên; chú trọng phát triển thủy lợi và phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tích cực xây dựng thể chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính…

P.Hiền

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy