Hiệu quả từ những mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa đem lại hiệu quả thiết thực. Nhờ tích tụ ruộng đất đã hình thành nên những vùng sản xuất lớn, tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng; tháo gỡ được khó khăn về tình trạng thiếu lao động ở các địa phương; giảm chi phí vật tư nông nghiệp; nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.  Từ những diện tích nhỏ lẻ, khó canh tác, hiệu quả kinh tế thấp… nhờ tích tụ đã nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng.

Sau khi tuyên truyền, vận động, thỏa thuận thuê được 10ha ruộng vùng sâu trũng (thuộc cánh đồng La, thôn Đồng Tập) của trên 30 hộ dân, vụ xuân 2021 HTX DVNN La Sơn, Bình Lục bắt đầu triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc HTX DVNN La Sơn cho biết: Thuộc vùng chân trũng, trước khi tích tụ, năng suất lúa canh tác ở diện tích này rất thấp, có vụ chỉ đạt trên 1 tạ/sào. Trong khi giá vật tư nông nghiệp và các chi phí khác lại tăng, tính ra, có vụ nông dân chẳng có lãi.

Hiệu quả sản xuất thấp, có hộ không còn thiết tha với đồng ruộng, sẵn sàng cho cấy, cho mượn ruộng… nhưng khi HTX đặt vấn đề thuê trong 5 năm, mỗi vụ trả 25kg/sào nhiều người dân lại không đồng ý. Lý do là bởi người dân có tư tưởng lo lắng, sợ mất đất, không muốn cho thuê lâu dài. Để thuyết phục được người dân, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, HTX trực tiếp tổ chức nhiều buổi họp dân, lắng nghe ý kiến; trả lời, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của nhân dân. Cuối cùng, các hộ đều đồng thuận cho HTX thuê trong 5 năm, mỗi vụ trả 25kg/sào để sản xuất lúa hữu cơ tập trung. Hiện, HTX thực hiện cơ giới đồng bộ trên 100% diện tích tích tụ (làm đất bằng máy, gieo cấy bằng phương pháp mạ khay cấy máy, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay, thu hoạch bằng máy). Lúa cấy trên diện tích đất tích tụ HTX thực hiện liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, đến vụ thu hoạch doanh nghiệp về thu mua ngay tại đầu bờ…

Nhờ tích tụ ruộng đất, thực hiện sản xuất theo nguyên tắc “3 cùng” (cùng giống, cùng trà, cùng phương pháp canh tác) trên diện tích lớn đã giảm được rất nhiều chi phí ở tất cả các khâu: Từ làm đất, gieo cấy, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đến thu hoạch… Tính ra, năng suất và hiệu quả cao hơn hẳn so với trước. Bởi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún các khoản chi phí đầu tư cao hơn.

Được biết, hiện nay trên địa bàn xã La Sơn có khoảng 15 hộ cấy diện tích lớn, khoảng từ 10-20 mẫu (diện tích này được người dân thỏa thuận cấy theo vụ, theo năm). Hiện, cũng có hộ muốn tích tụ, thỏa thuận thuê trong thời gian ít nhất từ 3 năm trở lên nhưng rất khó. Lý do chủ yếu vẫn là người dân lo lắng, sợ mất đất. Vì thời gian thỏa thuận mượn ruộng, thuê ruộng gieo cấy ngắn nên các hộ không dám đầu tư mua các loại máy để phát triển, mở rộng sản xuất… Theo ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc HTXDVNN La Sơn, nếu người dân đồng ý cho thuê gọn vùng, vọn thửa từ 10ha trở lên, trong thời gian ít nhất 3 năm, HTX cũng sẵn sàng tích tụ để mở rộng, phát triển sản xuất. Bởi chỉ có tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành những vùng sản xuất lớn, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng… mới có thể nâng cao được năng suất, hiệu quả cây trồng.

Hiệu quả từ những mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa
Ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc HTXDVNN La Sơn (Bình Lục) kiểm tra quá trình sinh trưởng của cây lúa trên diện tích tích tụ 10ha.

Từ năm 2007, thấy diện tích thuộc vùng trũng, khó canh tác ở cánh Coi Gang, Đồng Miễu (thôn Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên) nhiều gia đình bỏ không cấy, anh Phạm Văn Nam, thôn Đọi Tam đã đến từng gia đình trao đổi, thỏa thuận để được gieo cấy trên diện tích đó. Lúc đầu bà con đồng ý cho cấy không; thậm chí nhà nhiều ruộng còn đóng hộ sản phẩm, có hộ còn giúp một vài công cấy khi đến vụ. Khi có chủ trương tích tụ ruộng đất, anh Nam muốn thuê đất với giá 100.000 đồng/sào/năm nhưng nhiều hộ lại chỉ đồng ý cho mượn, không đồng ý cho thuê. Để tích tụ được trên 40 ha, anh Nam đã phải kiên trì tới từng nhà để vận động, thuyết phục. Khi tích tụ được ruộng đất, anh Nam đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác. Mô hình tích tụ của anh Nam là mô hình xen canh lúa cá. Hiện tại, chỉ tính riêng từ lúa, trừ chi phí, mỗi vụ gia đình Nam thu từ 500 triệu - 600 triệu đồng.

Tích tụ, tập trung đất đai để nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi giá vật tư nông nghiệp tăng; tỷ lệ lao động nông nghiệp nông thôn chuyển mạnh sang các ngành nghề khác; các chi phí phục vụ cho sản xuất như, giá làm đất, ngày công lao động tăng; thu nhập thấp, một số nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng… thì việc tích tụ, tập trung ruộng đất càng cần được quan tâm, đẩy mạnh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ thực tế cho thấy, việc tích tụ, tập trung ruộng đất vẫn gặp khó khăn bởi tư tưởng người dân lo lắng, sợ mất đất. Nhiều hộ sẵn sàng cho cấy không, cho mượn theo vụ, nhưng không muốn cho thuê lâu dài. Chính vì vậy, mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất lớn, hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh chưa nhiều.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiệu quả của tích tụ, tập trung ruộng đất đã được khẳng định. Chỉ có tích tụ, tập trung ruộng đất mới khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá trị thấp; hình thành nên những vùng sản xuất lớn, theo hướng hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao.

Thời gian tới, để có thêm những mô hình tích tụ, tập trung sản xuất lúa hiệu quả, theo ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc HTX DVNN La Sơn, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục... để người dân đồng lòng thực hiện. Bởi tích tụ, tập trung ruộng đất chính là xu hướng tất yếu để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.  

 Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy