Hiệu quả từ mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất lúa tập trung

Vụ mùa 2019, anh Hoàng Văn Thường, thôn 1, Tiêu Hạ (Tiêu Động, Bình Lục) sản xuất 28,8 ha lúa trên vùng đất được tập trung tại địa phương. Với diện tích sản xuất này anh phân vùng cấy 2 giống lúa: BC15 và DS1. Do được sản xuất tập trung, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh tốt nên năng suất lúa ước đạt bình quân 2,2 tạ/sào.

Diện tích lúa được sản xuất tập trung của anh Hoàng Văn Thường, xã Tiêu Động (Bình Lục).

Được biết, anh Thường thực hiện tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn từ vụ xuân 2018. Khi đó, anh thuê lại 18 ha đất của các hộ trong thôn không còn nhu cầu sản xuất. Thời gian thuê kéo dài trong 10 năm được thể hiện qua hợp đồng, với giá thuê 30kg thóc/sào/năm, được trả hàng vụ theo giá thóc thị trường. Năm 2019, anh tiếp tục thuê thêm hơn 10 ha, gọn vùng, liền cánh với diện tích đã thuê trước đó. Đây đều là những diện tích nằm xa khu dân cư, xấu, trũng của khoảng 400 hộ. 

Trước kia, khi ruộng đất của các hộ còn manh mún, sản xuất không hiệu quả, năng suất lúa vụ mùa chỉ đạt hơn tạ/sào. Nhiều hộ cho mượn ruộng hoặc bỏ không cấy vụ mùa. Theo anh Hoàng Văn Thường, để tập trung được diện tích rộng như hiện nay anh phải nhờ và kết hợp với HTXDVNN Tiêu Hạ vận động từng hộ dân có ruộng. Ban đầu, mặc dù nhiều hộ không có nhu cầu sản xuất, đã chuyển sang làm ngành nghề khác nhưng tâm lý không muốn cho thuê lại. Sau 3 tháng kiên trì vận động anh mới thuê được diện tích gọn vùng.

Có được diện tích ruộng tập trung đủ lớn, anh Thường đầu tư quy hoạch lại bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, máy xúc san gạt tạo mặt bằng cho toàn cánh đồng. Nhờ vậy, xóa được tình trạng ruộng xấu, cốt đất không đều trước kia, giúp quá trình sản xuất, chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh được thuận lợi.

Song song với việc gieo cấy bằng phương pháp gieo thẳng, anh Thường đầu tư mua máy cày làm đất, máy bơm, máy gặt để chủ động toàn bộ quá trình sản xuất, đồng thời giảm được chi phí. Riêng khâu phun thuốc bảo vệ thực vật, anh thuê máy bay điều khiển từ xa để phun, giảm 50% chi phí so với phun thủ công, bảo đảm thời điểm phun phòng trừ.

Đặc biệt để tiêu thụ sản phẩm ổn định, kịp thời, anh Thường đã ký hợp đồng với Công ty TNHH An Bình (Hưng Yên) thu mua toàn bộ sản phẩm thóc tươi với giá thỏa thuận tại thời điểm thu hoạch. Nhờ vậy, tuy sản lượng thu hoạch lớn, nhưng anh không phải lo việc bảo quản, tồn đọng sau khi thu hoạch. 

Anh Thường chia sẻ: Tìm được đầu ra cho sản phẩm tôi mới yên tâm, mạnh dạn đầu tư sản xuất. Vấn đề chính còn lại là làm sao cây lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu chế biến. Chỉ tính trong năm 2018, khi còn sản xuất trên diện tích 18 ha, trừ mọi chi phí, tôi thu lợi khoảng 300 triệu đồng.

Từ kết quả đạt được, hiện nay anh Thường tiếp tục thuê thêm gần 10 ha ở cùng một cánh đồng để sản xuất. Anh dự định sẽ đầu tư mua máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, trang bị thêm máy cấy để đồng bộ cơ giới ở tất cả các khâu sản xuất của gia đình và làm dịch vụ.

Mô hình sản xuất tập trung ruộng đất quy mô lớn của anh Hoàng Văn Thường cho thấy hướng đi hiệu quả, phù hợp trên đồng ruộng. Ruộng đất rộng chính là điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư. Đơn cử, khi đầu tư máy gặt đập liên hợp đã giảm được 20 – 25% chi phí so với thuê bên ngoài.

Sản xuất tập trung thuận tiện, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… được thực hiện đồng bộ, đây là hướng mở để người dân thực sự có nhu cầu sản xuất tại các địa phương khác trong tỉnh tham khảo.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy