Hiệu quả từ các mô hình chăn nuôi tập trung ở Bình Lục

Chiếm phần lớn trên tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn huyện, chăn nuôi ở Bình Lục từ lâu đã trở thành “mũi nhọn’’ để tăng trưởng kinh tế. Có được kết quả này, huyện Bình Lục đã quy hoạch lại ruộng đất, khuyến khích nông hộ xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung, sau đó nhân ra diện rộng.

Sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung, đến nay trang trại nuôi bò thịt của gia đình anh Nguyễn Văn Quýnh ở xã Vũ Bản đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trang trại của anh Quýnh có diện tích 6 ha, hiện nuôi gần 40 con bò sinh sản, 70 con bò thịt. Quy trình chăn nuôi trại khép kín, bò giống tự sản xuất sau đó nuôi thành bò thịt xuất bán ra thị trường. Trung bình mỗi năm từ xuất bán bò thịt cho thu lời 500 – 700 triệu đồng. Anh Quýnh chia sẻ: Trong chăn nuôi, muốn giảm chi phí đầu vào, nâng cao lợi nhuận thì đòi hỏi người chăn nuôi phải tính toán tự sản xuất được con giống, biết pha chế nguồn thức ăn và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Nuôi bò thịt theo hình thức “gối sóng’’, đem lại thu nhập thường xuyên cho trang trại và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. 

Được biết, tại trang trại của anh Quýnh phần lớn nguồn giống bò thịt đều tự sản xuất từ đàn bò sinh sản của gia đình nên thường giảm chi phí so với mua ngoài thị trường từ 20 – 30%. Đối với nguồn thức ăn chăn nuôi bò, có nguồn cỏ tự trồng, anh Quýnh mua thêm lương thực về pha chế để giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. 

Nhờ phát triển chăn nuôi tập trung, mô hình nuôi lợn thịt của anh Phạm Bá Quỳnh ở xã Ngọc Lũ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian cao điểm trang trại của anh nuôi đến 1.400 đầu lợn. Trước đây gia đình anh Quỳnh nuôi lợn với quy mô nhỏ vài chục con/lứa, sau đó tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng và từng bước mở rộng trang trại chăn nuôi. Đặc biệt, từ khi tỉnh thực hiện mô hình liên kết 4 nhà trong việc hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi, anh thường xuyên vay vốn ngân hàng và nhờ ngân hàng bảo lãnh để đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi. Có thời gian anh còn mua lợn thịt về vỗ béo cung ứng ra thị trường. Nhờ phát triển chăn nuôi, có những năm trang trại của anh Quỳnh đem lại thu nhập vài tỷ đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Hiệu quả từ các mô hình chăn nuôi tập trung ở Bình Lục
Mô hình nuôi gà tập trung của gia đình chị Nguyễn Thị Huế, thôn Đích Chiều, xã Tiêu Động (Bình Lục). Ảnh: Xuân Tuân

Trên đây chỉ là hai trong nhiều mô hình chăn nuôi tập trung ở Bình Lục đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để khuyến khích ngành chăn nuôi phát triển, nhiều năm qua, huyện Bình Lục đã quy hoạch ruộng đất, tạo điều kiện cho nhân dân nhận thầu xây dựng trang trại chăn nuôi. Nhiều mô hình chăn nuôi ở Bình Lục có quy mô lớn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình nuôi bò thịt, bò sinh sản ở các xã La Sơn, Vũ Bản với quy mô 150 con/lứa; 3 mô hình nuôi gà thịt do Tập đoàn Dabaco tài trợ với quy mô 10 vạn con tại các xã Đồng Du, Tiêu Động, An Ninh; mô hình nuôi gà đa sinh kế tại xã Đồn Xá với quy mô 1,6 vạn con; mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” ở xã Tiêu Động... Đối với chăn nuôi lợn tập trung chủ yếu ở các xã: Ngọc Lũ, An Ninh, An Nội, Vũ Bản, Đồng Du, Bồ Đề, Hưng Công. Tại xã Ngọc Lũ trước đây có nhiều hộ nuôi từ 1.000 - 1.200 con lợn/lứa, nâng tổng đàn lợn của toàn xã thường xuyên duy trì hơn 30 – 50 nghìn con. Thu nhập từ chăn nuôi ở Ngọc Lũ có năm chiếm tới khoảng 60 – 70% kinh tế hộ và nghề chăn nuôi giải quyết việc làm cho phần lớn lao động trong xã. 

Thành công trong phát triển chăn nuôi ở Bình Lục, trước hết phải kể đến bà con đã có tập quán, thói quen phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi bò trong khu dân cư từ nhiều năm qua. Trên nền tảng đó, Huyện ủy Bình Lục đã ban hành nghị quyết về phát triển chăn nuôi, trong đó quy hoạch xây dựng khu chăn nuôi tập trung ở khu vực ven sông Châu tạo điều kiện cho bà con xây dựng trang trại với quy mô lớn, từng bước hạn chế ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Đặc biệt, trong mấy năm qua, thực hiện phát triển chăn nuôi đa dạng với quy mô lớn, huyện Bình Lục đã khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi bò, gia cầm, mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển chăn nuôi ở Bình Lục cũng gặp khó khăn về việc xử lý ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi. Nhiều hộ đã áp dụng phương pháp xây dựng hầm biôga, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, song lượng chất thải quá tải vẫn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, thời gian tới, Bình Lục cũng rất cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc định hướng, vào cuộc hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Về phía địa phương, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban và các xã, thị trấn tích cực vào cuộc hỗ trợ bà con nông dân thực hiện mô hình liên kết nuôi lợn, nuôi gia cầm, nuôi bò thịt. Trong đó: ngân hàng vào cuộc cho vay vốn với lãi suất hợp lý, doanh nghiệp cung ứng thức ăn chăn nuôi tới tận hộ gia đình; chính quyền hỗ trợ bà con bằng cơ chế, chính sách, mặt bằng xây dựng trang trại, xây dựng các khu chăn nuôi tập trung.

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy