Đổi thay ở vùng đất đồi rừng tây Đáy

Mấy năm trở lại đây vùng đất đồi rừng tây Đáy thuộc các xã Thanh Nghị, Thanh Tân (Thanh Liêm) như được khoác lên mình bộ áo mới. Nơi đây không còn sản xuất đơn thuần, mà đã chuyển đổi sang hướng nâng cao giá trị, tạo nên diện mạo mới cho vùng đất trước đây còn nhiều khó khăn.

Nhắc về vùng đồi rừng tây Đáy, nhiều người sẽ nhớ ngay đến sản phẩm đặc trưng hoa đào Tết. Cây hoa đào trồng trong vùng tây Đáy vừa có nét tự nhiên của vùng rừng, núi, vừa được chăm sóc đúng kỹ thuật, hoa nở căng, thắm sắc. Vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, khách từ thành phố và những nơi lân cận lại về đây lựa chọn những cây, cành đào ưng ý về chơi Tết.

Khu vườn đồi trồng đào của bác Vũ Văn Hanh, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Nghị rộng 2 ha có đến hàng trăm gốc, với đủ đào thế, đào buông dáng tự nhiên đều là giống đào rừng. Ngoài trồng đào, bác còn nhận trồng, chăm sóc thuê cây đào cho một số người mang đến gửi tại vườn sau mỗi dịp Tết. Chỉ tính riêng vườn đào đã đem lại cho bác Hanh nguồn thu mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Bác Hanh tâm sự: Trồng đào Tết là hướng đi tiên phong tạo  sự thay đổi cách nghĩ, cách làm và thu nhập của người dân vùng đồi rừng.

Cũng với cây đào Tết, vùng đất đồi rừng tây Đáy đã có sự thay đổi mạnh mẽ về sự đa dạng của các loại cây trồng được chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị. Nhiều diện tích cây tạp, keo kém hiệu quả được thay bằng mô hình trồng và ươm cây bóng mát, cây công trình. Nơi đây có đủ các loại cây đang được ưa chuộng trồng tại sân vườn, khu đô thị, đường giao thông, như: Bàng Đài Loan, ban, giáng hương… Một số vườn đồi vùng tây Đáy chuyển sang trồng cây ăn quả giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, như: Nhãn, vải, xoài... Thời gian gần đây, một số hộ dân còn đưa cây dược liệu vào trồng hứa hẹn cho giá trị kinh tế cao.

Đổi thay ở vùng đất đồi rừng tây Đáy
Anh Đỗ Minh Cương, thôn Động Đình, xã Thanh Tân (Thanh Liêm) chăm sóc cây bàng Đài Loan trồng trên đất đồi rừng tây Đáy. Ảnh: Thành Nam

Điển hình, như hộ anh Đỗ Minh Cương, thôn Động Đình, xã Thanh Tân có 5 ha đất đồi rừng sản xuất. Trong đó, anh dành 1 ha trồng đào, 4 ha còn lại trồng cây bóng mát. Từ đầu năm 2022, anh Cương đã liên kết với Công ty cổ phần Dược Thanh Liêm trồng 2 ha cây dược liệu (mạch môn) dưới tán cây bóng mát và tiếp tục trồng cây dược liệu kim ngân. Việc chuyển đổi sản xuất trên đất đồi rừng của anh Cương phát huy hiệu quả rõ nét. Đơn cử, cây bóng mát, cây công trình anh Cương còn liên kết cùng trồng và tiêu thụ với 1 cá nhân trong vùng, ước cho lợi nhuận cao gấp khoảng 3 lần cây keo trước đây. Hay cây dược liệu mạch môn, tuy mới đưa vào trồng gần 1 năm nhưng đã thể hiện được sự phù hợp trên vùng đất đồi rừng tây Đáy. Dự kiến, 1 ha mạch môn trồng 2 năm thu hoạch cho giá trị 300 triệu đồng, trừ chi phí giống, phân bón đem lại lợi nhuận 200 triệu đồng. Cây mạch môn chỉ phải bỏ vốn đầu tư mua giống trong năm đầu tiên, sau đó tự để lại giống. Không những vậy, còn có thể khai thác bán giống mạch môn cho hiệu quả kinh tế cao hơn thương phẩm. Anh Cương cho biết: Tôi tham gia sản xuất trên đất đồi rừng tây Đáy 30 năm với nhiều loại cây trồng từ sắn, keo… Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi sang những cây giá trị mới phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh đất đai.

Không chỉ chuyển đổi cây trồng, những hộ dân vùng đồi rừng tây Đáy còn kết hợp chăn nuôi nâng cao thu nhập. Theo đó, tại đây đã hình thành nghề nuôi ong lấy mật. Tổng số đàn ong trên địa bàn đã lên đến con số 2.000, chuyên khai thác mật hoa rừng. Mỗi năm lượng mật ong rừng đạt khá lớn, giá bán cao hơn 20% so với mật ong hoa nhãn. Gà đồi cũng là một sản phẩm được người dân vùng tây Đáy quan tâm phát triển cung cấp ra thị trường… Đặc biệt, tại hộ bác Vũ Văn Hanh đang triển khai mô hình trang trại nuôi 150 con đà điểu chuẩn bị cho xuất bán. Theo người dân vùng tây Đáy, một số giống vật nuôi rất phù hợp, cho chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế cao khi khai thác sản xuất tại vùng đồi rừng. Nguồn thu đem lại từ vật nuôi giúp nâng cao thu nhập hằng năm…

Đổi thay ở vùng đất đồi rừng tây Đáy
Cây dược liệu mạch môn trồng trên đất đồi rừng tây Đáy (Thanh Liêm) - Ảnh M Hùng

Vùng tây Đáy thuộc 2 xã Thanh Nghị và Thanh Tân của huyện Thanh Liêm có gần 300 ha đất đồi rừng, giao cho các hộ dân sản xuất. Trải qua quá trình phát triển từ hơn 20 năm trước trồng keo, măng tre Bát độ, hiện nay là cây ăn quả, cây bóng mát, cây công trình, đến cây dược liệu… Giá trị sản xuất trên đất đồi rừng vùng tây Đáy hiện đã đạt hàng trăm triệu đồng/ha. Để có kết quả này nhờ có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng. Yếu tố quan trọng nhất, hạ tầng đường giao thông, nhất là các tuyến chính đã được bê tông hóa thuận lợi cho quá trình đi lại, vận chuyển phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Người dân cũng thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Mới nhất, mô hình chăn nuôi đà điểu được hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ của Nhà nước. Đối với khâu tổ chức sản xuất, vùng đất đồi rừng thuộc xã Thanh Nghị mới được hỗ trợ thành lập HTX chuyên ngành kiểu mới ít xã viên. Sản phẩm mật ong rừng nơi đây đang xây dựng ý tưởng, tham gia để được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh…

Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm cho biết: Vùng đất đồi rừng tây Đáy là một trong những thế mạnh phát triển sản phẩm đặc trưng. Chính vì vậy, huyện Thanh Liêm quan tâm, thúc đẩy, khơi dậy và phát triển tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này.

Vùng đất đồi rừng tây Đáy của huyện Thanh Liêm hiện nay được đánh giá như giai đoạn khởi đầu. Tin rằng, không xa nữa, vùng đất này sẽ thực sự khởi sắc, vươn lên cùng với sự phát triển chung của địa phương và của tỉnh.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.