Đề xuất các giải pháp để phát triển sản xuất, tiêu thụ dưa chuột

Sáng 9/7, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị đánh giá về tình hình sản xuất, tiêu thụ dưa chuột ở các địa phương trong tỉnh thời gian qua.

Đề xuất các giải pháp để phát triển sản xuất tiêu thụ dưa chuột
Các đại biểu dự hội nghị

Theo báo cáo đánh giá của Sở NN&PTNT, trong những năm qua, cây dưa chuột xuất khẩu là cây cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, diện tích trồng dưa không phát triển ổn định, thậm chí còn giảm dần. Toàn tỉnh hiện có 44 HTXDVNN trồng dưa chuột, với diện tích cả năm đạt từ 1.100- 1.200 ha, chủ yếu trồng trên đất chân mạ, sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn/năm.

Các giống dưa được đưa vào sản xuất chủ yếu là: TIZGI, SURYA RZ F1, dưa xanh F1, dưa nếp ta… Cây dưa chuột bao tử cho giá trị bình quân từ 7-8 triệu đồng/sào/vụ, tương đương từ 195-222 triệu đồng/ha/vụ, gấp từ 7-9 lần so với trồng lúa. Dưa thương phẩm làm rau cho giá trị từ 10-11 triệu đồng/sào/vụ, tương đương với 277-300 triệu đồng/ha. 

Hầu hết các HTX quy hoạch vùng trồng dưa, nhưng diện tích còn nhỏ, manh mún. Hình thức tiêu thụ sản phẩm dưa chuột đa dạng, song vẫn còn tình trạng tranh mua, tranh bán khi thiếu sản phẩm hoặc nông dân bị ép giá khi thừa sản phẩm. Các hộ nông dân hình thành các nhóm sản xuất, ký kết với tư thương tiêu thụ sản phẩm hoặc bán sản phẩm tại các chợ truyền thống.      

Các công ty và doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm dưa chuột đều dựa vào các HTXDVNN hoặc thương lái thu gom và có hỗ trợ nông dân sản xuất bằng hình thức cung ứng hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…Hiện có 9 công ty, doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ dưa chuột bao tử xuất, trong đó có 3 doanh nghiệp ngoài tỉnh, ký kết với khoảng 40 HTXDVNN; 6 cơ sở chế biến dưa chuột xuất khẩu, ký hợp đồng sản xuất trực tiếp với 34 HTXDVNN.

Qua khảo sát thực tế của Sở NN&PTNT, mỗi doanh nghiệp chế biến cần từ 20-30ha dưa/vụ, tính về tổng lượng nhu cầu của các doanh nghiệp diện tích trồng dưa vào khoảng từ 160-200 ha/vụ. Nhu cầu về thu mua sản lượng khá lớn, có điều, hiện nay, các HTXDVNN đều rất khó mở rộng diện tích sản xuất dưa chuột. Trong đó một phần là do diện tích trồng dưa chuột trước kia đã chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác, thiếu lao động sản xuất nông nghiệp, chi phí sản xuất lớn…

Để mở rộng diện tích trồng dưa chuột, Sở NN&PTNT đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, thực hiện tốt công tác quy hoạch diện tích trồng dưa, nhất là ở những địa phương có điều kiện thuận lợi về quỹ đất và nguồn lao động; tăng cường công tác quản lý nước về giống, vật tư phân bón, điều tra, đánh giá, quản lý sản phẩm đầu vào; thống nhất xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất phù hợp với hợp đồng tiêu thụ, đảm bảo về cung ứng giống và vật tư thiết yếu; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiêu thụ sản phẩm; có cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất dưa, tập trung hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất (giao thông, thủy lợi), chuyển giao kỹ thuật, một phần chi phí giống và phân bón, xây dựng mô hình…

Ý kiến từ phía doanh nghiệp nhất trí với đề xuất của Sở NN&PTNT. Doanh nghiệp mong muốn được tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa chuột. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là chính quyền cấp xã nhằm tháo gỡ khó khăn trong liên kết sản xuất hiện nay.

Bích Huệ, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy