Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã

Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được xem là giải pháp quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX. Ngoài cơ chế, chính sách của Nhà nước, yếu tố nội lực chính là vấn đề mấu chốt giúp các HTX làm tốt giải pháp quan trọng này.

Với vai trò là cầu nối hỗ trợ HTX và các thành viên, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Hà Nam triển khai nhiều hoạt động lồng ghép các chương trình hỗ trợ của trung ương và của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể; xây dựng mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 HTX sản xuất các sản phẩm theo chuỗi giá trị, như: HTX Nông sản sạch Bảo An, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Anh Tuấn, HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng, HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp, HTX Nông sản hữu cơ Phù Vân... Sản phẩm chủ yếu gồm có lúa gạo, nấm, dược liệu, rau, củ, quả và một số thủy sản nước ngọt.

Thực tế cho thấy, mô hình HTX ít thành viên đang phát huy được lợi thế về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX liên kết với cơ sở chế biến nông sản, siêu thị, bếp ăn tập thể để cung ứng sản phẩm ổn định. Những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh đang mở rộng được thị phần, như: cá kho Nhân Hậu, đông trùng hạ thảo Minh Đức, mật ong, ổi lê, bưởi Diễn, rau an toàn, rau hữu cơ.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã
Sản phẩm được chế biến từ cá của HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng được trưng bày và giới thiệu trong khuôn khổ hoạt động của Hội nghị Xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX do Liên minh HTX tỉnh tổ chức cuối tháng 11/2020.

Tuy nhiên, theo Liên minh HTX tỉnh, hạn chế hiện nay chính là quy mô sản xuất của các HTX còn nhỏ. Nhiều mặt hàng nông sản chưa được công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm không ổn định. Đây là những yếu tố khiến cho vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm của các HTX còn khó khăn và chưa được thiết lập chắc chắn.  

Hà Nam đang có hạ tầng thương mại thuận lợi, hệ thống kênh phân phối hàng hóa phong phú, góp phần thúc đẩy việc giao thương hàng hóa, dịch vụ trong khu vực. Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung, cầu tiêu dùng hàng hóa giữa Hà Nam với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh nhận định: Hà Nam đang có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch, nông sản an toàn. Nhiều HTX đã được hưởng thụ cơ chế hỗ trợ của tỉnh. Sở NN&PTNT đã và đang tích cực tham gia chương trình xúc tiến thương mại, dành nguồn kinh phí cho hoạt động này nhằm tiếp tục hỗ trợ các HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.

Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết, ông Nguyễn Anh Tuấn, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Anh Tuấn (Nhân Nghĩa, Lý Nhân) cho biết: HTX mong muốn được hỗ trợ để đưa nông sản vào chuỗi cung ứng trong hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa của siêu thị, cửa hàng tiện ích; tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm... 

Tham gia chuỗi liên kết sản xuất và cung cầu tiêu dùng hàng hóa là giải pháp sống còn của các HTX, bởi nếu không có đầu ra ổn định thì sản xuất gặp nhiều khó khăn. Vấn đề là làm thế nào để sản phẩm của các HTX có chỗ đứng an toàn trong chuỗi cung cầu này? Mới đây, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức hội nghị về xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trong khuôn khổ hội nghị, vấn đề được quan tâm nhiều nhất chính là cần nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm cho các HTX; tác động của cơ chế, chính sách đối với hoạt động xúc tiến thương mại; làm thế nào để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị kinh doanh cho các HTX...

Tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng: Vấn đề hợp tác, xúc tiến thương mại là yếu tố quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cơ chế thị trường. HTX phải nhận thức đúng và rõ yếu tố quan trọng này để sản xuất theo yêu cầu và nhu cầu của thị trường; nâng cao năng lực quản trị, năng lực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đổi mới tư duy làm kinh tế; tập trung vào hoàn thiện những yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, như: mẫu mã, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu... Hà Nam đang có những HTX hoạt động hiệu quả, nhất là HTX ứng dụng công nghệ cao. Đây là lợi thế để phát huy vai trò của HTX, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa trong thời gian tới, theo ông Lê Quang Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cần tăng cường đầu tư khoa học, công nghệ vào sản xuất; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Các HTX cần xây dựng kế hoạch kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với những mặt hàng, cụ thể về số lượng, chất lượng, thời gian, địa điểm cung cấp nhằm tạo thuận lợi trong quá trình xúc tiến thương mại. Đồng thời, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp, trao đổi thông tin về đầu tư, sản xuất giữa các địa phương về những sản phẩm lợi thế, có thế mạnh phát triển...

Việc thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã và đang được quan tâm nhằm tháo gỡ khó khăn về đầu ra và đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh cho các HTX. Từ đó, hình thành các chuỗi sản xuất, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản và thu nhập cho người sản xuất. 

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy