Công nghiệp tăng trưởng ấn tượng

Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 176.078 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2021. Đây được xem là điểm sáng trong bức tranh phục hồi kinh tế hậu Covid -19.

Để có được điểm sáng trong điều kiện hoạt động sản xuất công nghiệp phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ động nắm tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Về cơ bản, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt trong năm 2022, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, phát triển. Thế nhưng tại nhiều quốc gia trên thế giới, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp cộng với sự bất ổn chính trị trên thế giới, lạm phát tại các nước phát triển tăng cao, giá cả nhiều mặt hàng, nguyên vật liệu tăng... đã khiến cho nhiều lĩnh vực công nghiệp bị ảnh hưởng. Nhờ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của các sở, ban, ngành, địa phương về nguồn vốn tín dụng, thuế, hải quan, thủ tục hành chính, xúc tiến thương mại, đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh, sản xuất công nghiệp năm 2022 của tỉnh đã đạt mức tăng trưởng, phục hồi tích cực, nhất là trong nửa cuối năm.

Công nghiệp tăng trưởng ấn tượng
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Samas Wiring Systems Vina, Khu công nghiệp Thanh Liêm.

Kết quả thống kê của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tạo được sự bứt phá mạnh mẽ từ quý II/2022 ngay sau khi dịch Covid -19 cơ bản được kiểm soát. Điều này được thể hiện qua các con số: Quý I/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh chỉ đạt mức tăng trưởng 11,6% so với cùng quý năm 2021 do số ca nhiễm Covid -19 tăng cao, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn do thiếu lao động; trong quý III và quý IV/2022, mức tăng trưởng IIP toàn tỉnh đạt trên 19% so với cùng kỳ năm 2021 - đây là mức tăng trưởng cao so với trung bình nhiều năm trở lại đây, theo đó chỉ số IIP trong năm 2022 tăng trên 14%; giá trị sản  xuất công nghiệp năm 2022 ước đạt 176.078 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2021.

Trong “mảng màu sáng” về công nghiệp của bức tranh kinh tế năm 2022 của Hà Nam, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn duy trì đà tăng trưởng cao với mức tăng 14,4% so với năm 2021. Nhiều sản phẩm công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng từ 18% đến trên 40% so với năm 2021 như: linh kiện điện tử, xi măng và clinker, đồ chơi trẻ em… Đây chính là những con số cho thấy, ngay khi đại dịch Covid -19 được kiểm soát, bên cạnh sự đồng hành của Chính phủ, của tỉnh, các doanh nghiệp đã rất linh hoạt, nhạy bén thay đổi phương án sản xuất để thích ứng và phục hồi. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã chủ động trong việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho cán bộ, nhân viên, người lao động; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Một số doanh nghiệp xuất khẩu bị huỷ đơn hàng đã có phương án liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành để nhận hợp đồng gia công sản phẩm, duy trì ổn định sản xuất. Hầu hết các doanh nghiệp cũng đã chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước nhằm đáp ứng một phần nhu cầu về nguyên vật liệu đầu vào...

Công nghiệp tăng trưởng ấn tượng
Trên dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH TDS Việt Nam, Khu công nghiệp Đồng Văn II (Duy Tiên).

Qua trao đổi với ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương, được biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp, năm 2022, ngành công thương đã thực hiện tốt chức năng là cơ quan đầu mối đôn đốc, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 3163/KH-UBND ngày 16/11/2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; triển khai tốt phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp quy hoạch tỉnh. Sở cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, nắm chắc tình hình hoạt động, đầu tư của các dự án, nhất là các công trình trọng điểm, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, bảo đảm công nghiệp phát triển ổn định và là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hoá và công khai các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư khi đến giao dịch giải quyết công việc, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển vào địa bàn tỉnh.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, trong năm qua, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư, bố trí quỹ đất sạch để các nhà đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất theo nhóm nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao hiệu quả sản xuất; quan tâm khảo sát nhu cầu nhập máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ kịp thời; tổ chức kết nối và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng hoạt động tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp trong tỉnh thông qua việc vận động doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng sản phẩm phụ trợ của doanh nghiệp trong nước. Năm 2022, tỉnh Hà Nam cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung xây dựng hạ tầng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, tổ chức thành công các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, nhất là tại Nhật Bản, Hàn Quốc…

Công nghiệp tăng trưởng ấn tượng
Công nhân Công ty TNHH Thiên Sơn Hà Nam, xã Đạo Lý (Lý Nhân) trong giờ làm việc. Ảnh: Lê Yến

Minh chứng rõ nét cho thấy điều kiện kinh doanh của Hà Nam đã được cải thiện nhiều trong năm 2022, toàn tỉnh có trên 700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Công tác thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực với trên 40 dự án đầu tư mới vào tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp tại các KCN trên địa bàn tỉnh đạt khá, trên 135.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 22% so với năm 2021 và chiếm gần 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 5,48 tỷ USD, vượt trên 24% so với kế hoạch năm.

Có thể thấy, năm 2022 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự biến động về giá cả nguyên liệu đầu vào, áp lực lạm phát tăng cao nhưng ngành công nghiệp đã năng động, linh hoạt, vượt qua những khó khăn về tài chính, thiếu lao động, nguyên, nhiên vật liệu. Sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao. Đây chính là tín hiệu vui, tạo đà để tỉnh thực hiện thắng lợi chỉ tiêu của ngành công nghiệp trong năm 2023 và những năm tiếp theo, khẳng định vị trí, vai trò là khu vực quan trọng quyết định mức tăng trưởng chung của nền kinh tế./.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy