Chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương sau sáp nhập

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện sáp nhập một số địa phương. Phần lớn những địa phương này nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Sau thời gian sáp nhập, sản xuất nông nghiệp đã có sự thay đổi và chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế.

Xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên) được sáp nhập từ 3 xã, gồm: Đọi Sơn, Tiên Phong và Châu Sơn. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã mới được nâng lên hơn 600 ha. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị. Để thuận lợi trong quá trình điều hành, triển khai các dịch vụ phục vụ sản xuất, xã Tiên Sơn đã thực hiện sáp nhập 3 HTXDVNN của 3 địa phương trước đây thành HTXDVNN toàn xã.

Trong phát triển sản xuất, xã quy hoạch thành các vùng phù hợp với điều kiện thực tế. Nổi bật, xã đã xây dựng mô hình tập trung ruộng đất có diện tích lên đến gần 40 ha chuyển đổi theo hình thức cấy lúa vụ xuân và nuôi cá. Giá trị sản xuất từ mô hình đem lại cao gấp khoảng 3 lần so với cấy lúa trước đây. Quan trọng hơn, việc tập trung ruộng đất đã giải quyết được tình trạng bỏ ruộng do nhiều hộ không còn nhu cầu sản xuất. Đồng thời, tạo sản phẩm lúa hàng hóa tập trung có sản lượng lên đến hàng chục tấn/vụ, liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp… Trên vùng đất cốt cao thuộc khu vực Đọi Sơn trước đây, cùng với cấy lúa, xã đang quy hoạch vùng sản xuất cây ngô, đậu tương làm thức ăn cho bò sữa liên kết tiêu thụ sản phẩm với HTX Mục Đồng (xã Trác Văn)… Giá trị sản xuất nông nghiệp của xã Tiên Sơn hiện nay đã đạt  321 tỷ đồng, tăng 28,4% so với mục tiêu đề ra.

Ông Trần Kim Công, Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn cho biết: Sản xuất nông nghiệp của xã có thay đổi đáng kể khi sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính. Công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế nông nghiệp thuận lợi, đa dạng hơn do diện tích sản xuất được mở rộng. Địa phương đang hướng đến xây dựng vùng sản xuất tập trung, giá trị kinh tế cao, cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho các địa phương khác của thị xã.

Với Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) được sáp nhập từ xã Đạo Lý và Nhân Hưng trước đây. Nhìn lại thời gian chưa sáp nhập, sản xuất nông nghiệp các địa phương này có khá nhiều hạn chế, thiếu các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của địa phương có bước thay đổi mới từ việc quy hoạch và bố trí những vùng sản xuất phát huy thế mạnh của từng khu vực, cánh đồng và tập quán canh tác của người dân. Chỉ tính riêng vụ đông, HTX Nông nghiệp Nhân Hưng tập trung duy trì và phát triển diện tích cây bí xanh, bí đỏ với diện tích lên đến hơn 100 ha. HTX Nông nghiệp Đạo Lý phát triển cây có giá trị kinh tế cao, tập trung chính là cây dưa chuột xuất khẩu. Trong nuôi trồng thủy sản, cùng với phát huy hiệu quả diện tích sản xuất đa canh của cả 2 vùng trước đây, xã khai thác mặt nước tại vùng bãi và ven sông Hồng áp dụng mô hình nuôi cá theo công  nghệ “sông trong ao”, nuôi cá thâm canh, chuyên canh và cá lồng. Xã Trần Hưng Đạo phát huy thế mạnh của cây sen lấy hạt đạt tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…

Theo đồng chí Đỗ Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy Xã Trần Hưng Đạo, sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển đa dạng hơn từ trồng trọt, chăn nuôi, đến thủy sản. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…

Chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương sau sáp nhập
Nuôi cá trắm đen thâm canh tại Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân). Ảnh: Kim Chi

Thực tế cho thấy các xã, thị trấn thực hiện sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính trong tỉnh đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng tích cực trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) mới được sáp nhập thêm xã An Mỹ và Mỹ Thọ đã xác định rõ những vùng sản xuất trọng điểm. Diện tích đất sản xuất tại vùng thuộc xã Mỹ Thọ cũ tập trung sản xuất đa canh theo hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây ăn quả. Diện tích đất sản xuất tại vùng thuộc xã An Mỹ trước đây phát triển sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, tập trung. Trong đó, phát triển mạnh những giống lúa chất lượng, đặc sản, nhất là nếp cái hoa vàng…

Còn tại thị trấn Tân Thanh (Thanh Liêm) đang có sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển sản xuất, nhất là đưa cơ giới vào các khâu sản xuất. Điển hình, phương pháp cấy lúa bằng máy được triển khai tốt ở cả HTXDVNN Thanh Bình và Thanh Lưu với diện tích hơn 200 ha. Đảng ủy, UBND thị trấn Tân Thanh chỉ đạo và tổ chức thành lập HTX mạ khay, cấy máy làm dịch vụ trên toàn địa bàn.

Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm cho biết: Việc sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, diện tích sản xuất bổ trợ rất tốt giữa các vùng, giải quyết được hạn chế trước đây gặp phải. Việc chỉ đạo của phòng chuyên môn cấp huyện xuống địa phương thuận lợi, tập trung hơn. Thể hiện rõ nét nhất chính là thị trấn Tân Thanh đã mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy, khắc phục việc bỏ ruộng của một số hộ gia đình, ngăn ngừa lúa cỏ phát sinh và giải quyết được vấn đề thiếu lao động thời vụ trong giai đoạn gieo cấy.

Sản xuất nông nghiệp của các địa phương sau sáp nhập đang thực sự phát huy hiệu quả. Rõ nét nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thuận lợi, tập trung hơn khi quy mô diện tích sản xuất tăng lên. Diện tích sản xuất lớn, tập trung tạo điều kiện thuận lợi áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Các địa phương đều đặt ra mục tiêu tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy