Chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tại Hà Nam, hơn 3 năm qua đã và đang có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn; thúc đẩy các chủ thể không ngừng hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, xây dựng thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP
Khách hàng tham quan và mua sản phẩm OCOP tại Chuỗi cửa hàng Nhật Bản (Công ty cổ phần thực phẩm Mai Chi- phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên). Ảnh Tiến Đoàn

Qua tìm hiểu được biết, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh đã có 65 sản phẩm của 30 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 49 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 16 sản phẩm đạt 4 sao. Cụ thể: Thị xã Duy Tiên 26 sản phẩm (11 sản phẩm 4 sao, 15 sản phẩm 3 sao) – là đơn vị có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh đến thời điểm hiện nay. TP Phủ Lý 11 sản phẩm 3 sao; Lý Nhân 7 sản phẩm 3 sao, Bình Lục 11 sản phẩm (2 sản phẩm 4 sao, 9 sản phẩm 3 sao); Thanh Liêm 6 sản phẩm 3 sao; Kim Bảng 4 sản phẩm (3 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm 3 sao). Các sản phẩm OCOP được xếp hạng bảo đảm chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc... Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận OCOP sản lượng, giá bán tăng so với trước khi tham gia OCOP. Điển hình là các sản phẩm: Ruốc cá trắm cỏ, Chả cá rô phi của HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng (Thanh Sơn, Kim Bảng); Sữa tươi thanh trùng, Sữa chua nếp cẩm của Công ty cổ phần Sữa và giống bò sữa Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên); Bánh đa nem làng Chều (xã Nguyên Lý, Lý Nhân); Bún, miến, phở, bánh tráng chùm ngây của Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam…

Chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP
Rượu Vọc, Vũ Bản (Binh Lục) cũng là một trong những sản phẩm đã được công nhận OCOP tại Hà Nam. Ảnh: M Hùng

Một thuận lợi của các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, đó là nhận được nhiều sự ưu tiên trong quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại; được giới thiệu trên sàn giao dịch thương mại điện tử http://postmart.vn, có giao diện trên khắp cả nước. Được biết, hiện nay ở Hà Nam đã có 35/65 sản phẩm OCOP được giới thiệu tại địa chỉ http://postmart.vn; 100% chủ thể OCOP đều có thể sử dụng tài khoản thanh toán điện tử, đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử ngày càng phát triển. Nhờ thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các sản phẩm OCOP giờ không còn bó hẹp ở thị trường nội tỉnh mà ngày càng được mở rộng ra các tỉnh, thành trong nước, tạo thuận lợi lớn về đầu ra của sản phẩm, thu hút giải quyết việc làm cho nhiều lao động làm nghề ở địa phương. Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, của thị trường, nhiều chủ thể OCOP không ngừng cải tiến, hoàn thiện hơn về bao bì, nhãn mác, đặc biệt là chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm soát mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc… nhằm tạo uy tín, thương hiệu với người tiêu dùng. Đây cũng là điều kiện, là hành lang pháp lý quan trọng để các chủ thể OCOP tham gia vào các chuỗi siêu thị, nhà hàng; mở rộng thị trường, tăng doanh thu, bảo đảm sản phẩm phát triển ngày càng bền vững hơn.

Từ những kết quả đã đạt được trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP thời gian qua, năm 2022 các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chủ động rà soát, đăng ký 59 ý tưởng sản phẩm của 44 chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Trong đó các huyện: Lý Nhân 04 sản phẩm Bình Lục 07 sản phẩm, Thanh Liêm 07 sản phẩm, Kim Bảng 21 sản phẩm và TP Phủ Lý 04 sản phẩm, thị xã Duy Tiên 16 sản phẩm. Toàn tỉnh phấn đấu có từ 25 - 30 sản phẩm được phân hạng, đánh giá đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên.

Chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP
Sản phẩm "Trà ướp sen Trưởng An" của cơ sở Nguyễn Thanh đang được chủ thể sản phẩm xây dựng đề nghị công nhận OCOP năm 2022. Ảnh Phạm Hiền

Một trong những sản phẩm mà thị xã Duy Tiên năm nay đang kỳ vọng được Hội đồng đánh giá công nhận OCOP cấp tỉnh là sản phẩm “Trà ướp sen Trưởng An” của hộ gia đình anh Nguyễn Thanh (phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên). Sản phẩm này từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sản phẩm “Trà ướp sen Trưởng An” được hộ gia đình anh Nguyễn Thanh sử dụng phương pháp ướp thủ công gia truyền. Trà sau khi mua về được cơ sở ướp với gạo sen tươi, sau đó sấy bằng điện, hút chân không, bảo quản trong kho lạnh… nên chất lượng trà ướp sen của gia đình có hương vị đặc biệt, tạo được uy tín với nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Thanh, Chủ cơ sở sản xuất Trà ướp sen Trưởng An cho biết: Chương trình OCOP tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc trưng, truyền thống ở các địa phương phát triển. Kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu cho sản phẩm, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống… Nhận thức được tầm quan trọng, nội dung, ý nghĩa của chương trình, năm nay cơ sở chúng tôi đang nỗ lực phối hợp để hoàn thiện thủ tục và hồ sơ đăng ký tham gia sản phẩm OCOP. Mong rằng sản phẩm “Trà ướp sen Trưởng An” của gia đình sẽ được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, mở ra hướng phát triển bền vững hơn trong những năm tiếp theo.

Trao đổi về quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương, ông Nguyễn Quang Nghiệp, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua, Chương trình OCOP của tỉnh còn gặp những khó khăn, hạn chế, đó là: Một số địa phương chưa thật sự coi trọng đến việc triển khai, thực hiện chương trình; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, rà soát, đánh giá sản phẩm tiềm năng trên địa bàn để tham gia Chương trình OCOP còn chưa được chú trọng nên số sản phẩm, chủ thể tham gia còn ít. Một số chủ thể khi tham gia chương trình còn thụ động, phụ thuộc vào đơn vị tư vấn nên tiến độ triển khai thực hiện còn chậm. Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh những năm qua chủ yếu là sản phẩm thực phẩm tươi sống, chưa qua chế biến sâu nên giá trị gia tăng còn thấp. Chủ thể sản xuất sản phẩm đa phần là hộ gia đình, HTX nên quy mô nhỏ, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP còn hạn chế, liên kết theo chuỗi giá trị còn yếu, khâu phân phối và tiếp thị sản phẩm ra thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu...

Thực hiện mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh đạt và vượt 150 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; có từ 2 đến 3 sản phẩm đạt hạng 5 sao cấp Trung ương, theo ông Nguyễn Quang Nghiệp, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, giải pháp quan trọng đó là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các chủ thể sản xuất sản phẩm lợi thế và tiềm năng tại các địa phương về tầm quan trọng, ý nghĩa, sự cần thiết, các nguyên tắc, nội dung của Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, nhất là UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phát triển kinh tế địa phương nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Tăng cường công tác rà soát hỗ trợ phát triển ý tưởng sản phẩm mới có tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo động lực cho chủ thể mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm tham gia chương trình. Đối với sản phẩm đã được công nhận OCOP tiếp tục quan tâm hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm đẩy mạnh, đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, nỗ lực duy trì và nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, 4 sao lên 5 sao. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình OCOP ở các địa phương... Hỗ trợ đầu tư xây dựng một số sản phẩm có lợi thế của địa phương một cách bài bản, theo chuỗi và theo đặc trưng từng làng quê để đưa sản phẩm OCOP sớm trở thành sản phẩm hàng hóa quy mô lớn.

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.