Chủ động ứng phó lâu dài với thiên tai

Thiên tai và thảm họa do thiên tai gây ra thực sự đã trở thành thách thức lớn trong quá trình phát triển. Những năm gần đây, các loại hình thiên tai xuất hiện với mức độ ngày càng gay gắt hơn, gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất và đời sống của người dân. Biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp đang đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp ứng phó với tầm nhìn dài hơn.

Ông Hoàng Đức Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam nhận định: Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang gây áp lực lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nam là tỉnh nằm ở vùng Đồng bằng sông Hồng, có các loại hình thiên tai phổ biến, như: mưa, bão, giông, lốc, sét, rét đậm, rét hại, nắng nóng. Trong những năm gần đây, BĐKH làm cường độ thiên tai thay đổi. Nắng nóng hơn, rét đậm, rét hại gay gắt hơn. Vì vậy, việc ứng phó với BĐKH và thiên tai cần có sự thay đổi từ cách tiếp cận, với tính đa diện, đa lĩnh vực cho một tầm nhìn dài, mục đích là nhằm nâng cao tính chủ động trong việc ứng phó, hạn chế những tác động của thiên tai gây ra khi thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Chủ động ứng phó lâu dài với thiên tai
Kiểm tra kết quả đo các thông số khí tượng tại Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nhiệt độ trung bình năm ở tỉnh ta trong gần 6 thập kỉ qua có xu thế gia tăng (khoảng 1,0oC), với tốc độ tăng khoảng 0,0176oC/năm. So với mức tăng của nhiệt độ trung bình cả nước, mức tăng của nhiệt độ ở khu vực tỉnh Hà Nam là cao hơn. Trong đó, các năm nóng nhất lịch sử quan trắc tại tỉnh đều xảy ra trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2015, nhiệt độ trung bình năm cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) vào khoảng 1,7oC; năm 2018 và 2010, mức nhiệt cao hơn TBNN vào khoảng 1,2oC. Sự ấm lên toàn cầu và gia tăng nhiệt độ dẫn đến sự gia tăng đáng kể về số ngày nắng nóng và giảm số ngày rét đậm, rét hại. Lượng mưa hằng năm trên địa bàn tỉnh có xu thế giảm nhẹ, trong 58 năm gần đây, tổng lượng mưa năm đã giảm khoảng 5,2%. BĐKH đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, sức khỏe của con người, gây hạn hán, lũ lụt…

Giai đoạn 2012-2020, tỉnh ta đã thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH. Nguồn vốn cho thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và vốn đối ứng của địa phương. Hằng năm, các cấp, ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) dựa trên những đánh giá về đặc điểm, hiện trạng đê điều và các công trình thủy lợi, những yêu cầu về PCTT của ngành và theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên. Trong đó, có dự tính về tình huống xảy ra và biện pháp khắc phục, kế hoạch chuẩn bị vật tư, nhân lực, chỉ huy tại chỗ trong xử lý sự cố trong các tình huống cụ thể. Nhờ đó đã hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Trước sự BĐKH, để nâng cao hiệu quả công tác PCTT, UBND thị xã Duy Tiên đã xác định rõ từng loại hình thiên tai đã và có thể xảy ra trên địa bàn khi xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN, như: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, mưa đá, sương muối, nắng nóng, rét hại, sạt lở, sụt lún đất trên các sông, kênh… Trên cơ sở đó đánh giá rủi ro và cấp độ rủi ro thiên tai thường gặp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn, thị xã Duy Tiên xây dựng phương án PCTT phù hợp. Trong đó, chủ trương huy động mọi nguồn lực tài chính cho công tác PCTT, tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao tinh thần chủ động của người dân trong việc ứng phó và xử lý sự cố; nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều và công trình thủy lợi; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với dự báo, cảnh báo và tình hình diễn biến của hạn hán; xây dựng phương án ứng phó với siêu bão.
Song, cũng như nhiều địa phương khác, thị xã Duy Tiên gặp không ít khó khăn và thách thức trong việc ứng phó thiên tai với tầm nhìn dài. Hệ thống đê điều, cống dưới đê, đê bối mặc dù được tu sửa và nâng cấp nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro khi có mưa to, bão lớn. Qua tìm hiểu thực tiễn ở nhiều địa phương chúng tôi thấy, thách thức đáng kể trong công tác PCTT đang ngày càng rõ ràng hơn. Đó là thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với PCTT, dẫn tới sự đầu tư chắp vá, khó hoặc không đáp ứng được khi đối mặt với sự cố lớn. Thiếu nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội. 

BĐKH có thể gây ra các tác động tiêu cực và tổn thất đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Chia sẻ về những vấn đề có liên quan, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng, giải pháp chính là tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai và BĐKH, với một kế hoạch ứng phó lâu dài, bao gồm cả cơ chế, chính sách đầu tư cho lĩnh vực này, với từng lĩnh vực cụ thể. Hiện nay, các hoạt động thích ứng với BĐKH ở tỉnh ta chủ yếu được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, vốn tài trợ. Đây không phải là giải pháp bền vững vì cần vốn đầu tư lớn, thực hiện trong một thời gian dài. Cần cơ chế  chính sách hướng tới tăng cường hợp tác công tư để huy động nguồn lực tư nhân nhằm chia sẻ lợi ích và rủi ro trong vấn đề thích ứng với BĐKH. Quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh, nên cân nhắc yếu tố rủi ro trong quy hoạch hạ tầng đầu tư phát triển và tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cấp hạ tầng tại những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất và ít được bảo vệ. Nâng cao năng lực phòng và ứng phó thiên tai thông qua việc cảnh báo sớm, tăng cường khả năng ứng phó thiên tai của địa phương, quan tâm đầu tư nhiều hơn nhằm cải thiện mạng lưới an sinh xã hội. 

Ông Hoàng Đức Hùng cũng cho rằng: BĐKH tạo ra thách thức và cơ hội, trong đó có việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang bắt nhịp được với xu hướng này thông qua việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt và chăn nuôi. Các công trình trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, nhìn chung đã tăng khả năng ứng phó với mưa, bão lớn. 

Để nâng cao khả năng thích ứng đồng bộ và hiệu quả, rõ ràng cần có cách tiếp cận mới nhằm cân bằng giữa rủi ro và cơ hội cho phát triển. UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Hà Nam. Quan điểm, cách tiếp cận trong lĩnh vực này chính là chủ động ứng phó với BĐKH phải tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với BĐKH là trọng tâm và coi giảm nhẹ khí nhà kính là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Chủ động ứng phó với BĐKH phải trên cơ sở tiếp cận quản lý tổng hợp, liên ngành, liên vùng, tính đủ lợi ích tổng thể và bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên liên quan, giữa các thế hệ; đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ, kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng khoa học, công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển... Qua đó nhằm nâng cao tính chủ động, tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội.  

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.