Chủ động phòng trừ lúa cỏ trong vụ xuân 2022

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Ngành xác định lúa cỏ là một trong những đối tượng gây hại mạnh trong vụ xuân 2022 và những vụ tiếp theo. Do vậy, việc triển khai biện pháp xử lý được chủ động sớm từ các khâu chuẩn bị cho vụ mới.

2 vụ lúa năm 2021 của huyện Lý Nhân lúa cỏ phát sinh và gây hại khá mạnh với tổng diện tích lên đến 145 ha. Trong đó, vụ xuân có 45 ha lúa bị nhiễm lúa cỏ, vụ mùa đã tăng lên đến 100 ha. Lúa cỏ đã lan ra 12 địa phương trong huyện, chiếm trên 50% tổng số xã, thị trấn trên địa bàn. 
Được biết, để xử lý diệt trừ lúa cỏ, các cơ quan chuyên môn và HTX nông nghiệp trong huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cách nhận biết và diệt trừ nhổ bỏ trong quá trình chăm sóc lúa. Tuy nhiên, mức độ lây lan của lúa cỏ trên đồng ruộng vẫn khá nhanh. Không những vậy, đã có cục bộ diện tích lúa bị nhiễm lúa cỏ gây ảnh hưởng đến năng suất. 

Theo bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Lý Nhân, lúa cỏ phát triển, lây lan nhanh và khó diệt trừ. Những vụ gần đây, nông dân trong huyện khi chăm sóc lúa phát hiện lúa cỏ đều đã nhổ bỏ, tiêu hủy nhưng chưa thể xử lý triệt để. Trên ruộng chỉ cần còn sót lại một số cây, lúa cỏ sẽ nhân lên rất nhiều trong vụ tiếp theo.

Cũng như Lý Nhân, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng có lúa cỏ xuất hiện và gây hại mạnh trên đồng ruộng. Trong năm 2021, toàn tỉnh có 284,6 ha lúa bị lúa cỏ gây hại, gồm: Vụ xuân 115,2 ha, vụ mùa 169,4 ha. Đã có diện tích lúa bị lúa cỏ gây hại, lấn át toàn bộ dẫn đến mất mùa cục bộ. Như tại HTX Bắc Sơn (xã Liêm Sơn, Thanh Liêm) trong vụ xuân 2021 có đến 20 ha lúa bị lúa cỏ gây hại. Có diện tích lúa bị nhiễm lúa cỏ quá nặng, người dân phải cắt bỏ toàn bộ và xử lý sớm trước khi lúa cỏ trỗ bông. Được biết, lúa cỏ chủ yếu phát sinh, phát triển mạnh trên diện tích lúa gieo thẳng. 

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Ngành xác định lúa cỏ là một trong những đối tượng gây hại mạnh trong vụ xuân 2022 và những vụ tiếp theo. Do vậy, việc triển khai biện pháp xử lý được chủ động sớm từ các khâu chuẩn bị cho vụ mới.

Chủ động phòng trừ lúa cỏ trong vụ xuân 2022
Cày lật đất tại xã Đồn Xá (Bình Lục) chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2022.

Thực tế, đã có địa phương triển khai và ngăn ngừa lúa cỏ phát sinh gây hại hiệu quả trong vụ mùa năm 2021 vừa qua. Cụ thể, huyện Thanh Liêm trong vụ xuân có 60 ha lúa bị nhiễm lúa cỏ, vụ mùa giảm xuống còn 12,7 ha. Những diện tích còn lại lúa cỏ chủ yếu phát sinh rải rác. Để có được kết quả đó, chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa, huyện Thanh Liêm đã chỉ đạo các địa phương chuyển đổi phương thức từ gieo thẳng sang cấy lúa bằng máy. Khi cây lúa được cấy sẽ giữ nước trên ruộng trở thành biện pháp hiệu quả ngăn ngừa lúa cỏ. Trao đổi về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Thanh Liêm cho biết: Vụ mùa 2021 huyện đã chuyển 40 ha lúa bị nhiễm lúa cỏ sang biện pháp cấy máy. Với cách làm này lúa cỏ đã bị triệt tiêu, lúa cấy máy cho năng suất cao hơn 5 – 7% so với lúa gieo thẳng. Trong vụ xuân 2022 tới, huyện tiếp tục duy trì và mở rộng lúa cấy máy thay thế gieo thẳng, nhất là những nơi đã từng bị nhiễm lúa cỏ.

Có một số nguyên nhân dẫn đến lúa cỏ xuất hiện và lây lan ra diện rộng. Cụ thể, trong quá trình canh tác lúa, cỏ tồn tại và xâm nhiễm qua việc vệ sinh đồng ruộng không tốt, đất không được làm kỹ, theo dòng nước, máy gặt từ những vùng nhiễm sang. Cùng với đó, hiện nay lúa gieo thẳng nhiều, sau khi gieo phải rút khô nước là điều kiện cho lúa cỏ phát triển… Lúa cỏ có sức sống mạnh, hạt khi rụng xuống có thể chìm sâu trong đất qua các vụ sẽ nảy mầm trở lại khi có điều kiện thuận lợi. 

Yêu cầu đặt ra phải có biện pháp xử lý từ sớm trong quá trình chuẩn bị vụ mới. Theo đó, những vùng nhiễm lúa cỏ nặng chuyển đổi phương pháp canh tác từ gieo thẳng sang cấy bằng máy hoặc cấy thủ công. Đồng thời, chú trọng vệ sinh đồng ruộng, kênh mương diệt trừ, hạn chế nguồn lúa cỏ ngoài môi trường. Một vấn đề nữa là làm đất kỹ, san ruộng phẳng trước khi cấy để vùi sâu hạt lúa cỏ không tiếp xúc với ánh sáng sẽ khó nảy mầm. Trong quá trình làm đất, nếu phát hiện hạt lúa cỏ trôi dạt vào góc ruộng thì cần vớt và tiêu hủy triệt để. Khi lấy nước, người dân đặt lưới tại đầu đường dẫn vào ruộng ngăn hạt lúa cỏ xâm nhập… Để thực hiện tốt, các địa phương, HTXDVNN tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho người dân ngay từ đầu vụ về các biện pháp ngăn ngừa, xử lý lúa cỏ; đồng thời, giúp nông dân nhận biết lúa cỏ để diệt trừ trong quá trình sản xuất. Qua đó, ngăn chặn không để lúa cỏ tiếp tục phát sinh và lan rộng gây hại cho diện tích lúa xuân tới và những vụ tiếp theo.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy