Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

Dịch cúm gia cầm từ đầu năm đến nay vẫn diễn biến khá phức tạp. Trên địa bàn cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm, tại 19 tỉnh, thành phố, phải tiêu hủy trên 77 nghìn con gia cầm mắc bệnh. Đặc biệt, theo Bộ Y tế, ngày 05/10/2022 đã có một người bị nhiễm virus cúm gia cầm chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ. Để hiểu rõ về tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh và biện pháp ngăn ngừa dịch cúm gia cầm, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Huy Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm
Chăn nuôi áp dụng an toàn sinh học tại hộ anh Ngô Gia Long, xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng). Ảnh:  Kim Chi

P.V: Xin ông cho biết tình hình dịch cúm gia cầm và nguy cơ lây lan trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Đinh Huy Bách: Dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh không phát sinh trong thời gian qua. Ổ dịch gần nhất xuất hiện từ đầu tháng 1/2021 tại xã Nhân Chính (Lý Nhân) và xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng), phải tiêu hủy hơn 20 nghìn con gia cầm mắc bệnh. Như vậy có thể thấy, việc phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, các chủng cúm gia cầm đang lưu hành tại nhiều địa phương trên cả nước với tỷ lệ khá cao thông qua kết quả giám sát, như: A/H5N1, A/H5N, A/H5N8…

Toàn tỉnh hiện có tổng đàn gia cầm hơn 8 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm của người dân vẫn còn khá nhỏ lẻ, chưa bảo đảm an toàn sinh học, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm còn thấp. Bên cạnh đó, việc tái đàn, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm vẫn diễn ra tự do và tăng dần vào dịp cuối năm. Do vậy, nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Việc mới có trường hợp người bị nhiễm virus cúm gia cầm tại tỉnh Phú Thọ nên công tác phòng chống dịch cúm gia cầm cần phải được quan tâm hơn.

P.V: Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể xuất hiện trở lại, ngành nông nghiệp đã triển khai những biện pháp phòng, chống dịch như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Huy Bách: Để phòng, chống dịch cúm trên đàn gia cầm, ngành đã triển khai đồng bộ các biện pháp cả về kỹ thuật và tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân. Cụ thể, đối với việc tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm được xây dựng kế hoạch và triển khai đầy đủ đến các địa phương. Trong đó, yêu cầu tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm đạt từ 80% tổng đàn trong diện tiêm trở lên tại các đợt tiêm chính vụ (vụ xuân và vụ thu) và phải tổ chức tiêm bổ sung hằng tháng.

Chi cục đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh phát động các tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Trong các tháng này, hóa chất được cấp cho các địa phương để thực hiện phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, nơi chăn thả, giết mổ, buôn bán vật nuôi, trong đó có đối tượng gia cầm. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức 6 lớp tập huấn tại các địa phương, mỗi lớp có 60 học viên là các hộ chăn nuôi có quy mô tập trung được hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, tiêm vắc-xin phòng bệnh, trong đó có bệnh cúm cho đàn gia cầm.

Cùng với đó, đơn vị chỉ đạo đội ngũ thú y cấp xã tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện dịch bệnh sớm để có biện pháp xử lý kịp thời; trao đổi thông tin với trạm y tế xã, phường, thị trấn để phối hợp giám sát tình hình dịch bệnh cúm gia cầm lây truyền giữa động vật và người. Đồng thời, tăng cường kiểm tra tại các điểm thu gom, tập kết, mua bán gia cầm, chợ buôn bán gia cầm sống, sản phẩm thịt gia cầm của địa phương.

P.V: Đối với người dân, cần có những khuyến cáo gì để phòng ngừa hiệu quả dịch cúm gia cầm, nhất là ngăn chặn không để lây sang người?

Ông Đinh Huy Bách: Về phía người dân cần tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn về kỹ thuật trong chăn nuôi. Theo đó, các hộ cần áp dụng đầy đủ biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh bằng hóa chất, vôi bột; chủ động tiêm đầy đủ vắc-xin phòng cúm gia cầm. Trong tiêm vắc-xin, người chăn nuôi cần lưu ý khi mua gia cầm giống hỏi rõ chủng vắc-xin mà đàn gia cầm bố, mẹ đã được tiêm bảo đảm sự miễn dịch của vật nuôi. Nếu vắc-xin đã tiêm cho gia cầm bố, mẹ không đúng chủng đang lưu hành tại tỉnh theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, cần tiêm sớm cho đàn giống mới nhập. Thực tế, tại ổ dịch ở xã Nhân Chính (Lý Nhân) đầu năm 2021, qua điều tra đàn gia cầm đã được tiêm đầy đủ vắc-xin, nhưng không đúng với chủng đang lưu hành tại tỉnh.

Một vấn đề nữa rất quan trọng là người dân khi phát hiện gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân hoặc nghi mắc cúm gia cầm phải chủ động khai báo với chính quyền địa phương, nhân viên thú y xã; tuyệt đối không vứt xác gia cầm chết, chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra ngoài môi trường. Tuân thủ tốt các quy định trong chăn nuôi là yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa cúm gia cầm phát sinh cũng như khả năng lây sang người.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mạnh Hùng (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy