Chủ động nguồn con giống chất lượng trong chăn nuôi bò thịt

Những năm gần đây, chăn nuôi bò thịt được lựa chọn phát triển tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đây là hướng đi thay thế một phần đàn lợn trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, giá thức ăn công nghiệp tăng cao. Để phát huy tốt hiệu quả chăn nuôi bò thịt, vấn đề đặt ra cần chủ động được nguồn con giống chất lượng.

Trang trại chăn nuôi bò của bác Nguyễn Văn Quýnh, Khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản xã Vũ Bản (Bình Lục) có quy mô chuồng trại chăn nuôi 200 con. Thời gian đầu, bác Quýnh đi mua gom bò giống trong dân về nuôi bò thịt xuất bán. Tuy nhiên, hướng sản xuất này cho hiệu quả không cao do chất lượng con giống hạn chế, chủ yếu là bò vàng bản địa tăng trọng thấp và trọng lượng nhỏ. Cách đây khoảng hơn 2 năm, sau khi tìm hiểu và tham quan ở nhiều nơi, bác Quýnh chuyển hướng sang đầu tư chuyên nuôi bò sinh sản. Toàn bộ số bò cái đều được bác Quýnh áp dụng phối giống bò 3B. Đây là giống bò thịt có trọng lượng lớn, lên đến 600 – 700 kg/con. Lượng con giống này được bác chủ yếu xuất bán cho các trang trại có nhu cầu nuôi bò thịt. Theo bác Quýnh, con giống chất lượng luôn là yếu tố quan trọng số một để chăn nuôi bò thịt, hiện nay trong tỉnh còn thiếu. Từ khi trang trại chuyển sang sản xuất con giống bò 3B đã đem lại hiệu quả rõ rệt.

Với huyện Bình Lục, trong tổng số 4 khu chăn nuôi bò tập trung, hiện có 2 khu, chủ yếu phát triển chăn nuôi bò sinh sản, gồm: Khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản xã Vũ Bản và xã La Sơn. Các trang trại ở đây đều lai tạo được bò mẹ có tỷ lệ máu ngoại cao, sản xuất con giống bò 3B. Hai khu chăn nuôi bò thịt tại xã An Đổ và Đồn Xá luôn duy trì số lượng lớn từ 400 đến hơn 600 con đều nuôi giống bò 3B.

Trang trại bò thịt của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Xuân Sơn Hà Nam, tại xã Đồn Xá có quy mô nuôi bình quân 600 con bò thịt giống 3B, lúc cao điểm lên gần 1.000 con. Toàn bộ lượng bò giống đều được doanh nghiệp mua của các hộ nuôi nhỏ lẻ khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc. Riêng trong tỉnh, lượng bò giống nhập về của trang trại chỉ chiếm một phần. Được biết, trước đây doanh nghiệp đã từng nuôi bò sinh sản và là một trong những nơi phối giống bò 3B đầu tiên trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa, công ty chuyển hướng sang chuyên nuôi bò thịt.

Ông Lại Văn Soàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Xuân Sơn Hà Nam cho biết: Quy mô trang trại hiện nay mới bảo đảm cho nuôi bò thịt. Hướng tới, khi mở rộng được sản xuất, đơn vị quay trở lại chăn nuôi bò sinh sản nhằm chủ động nguồn con giống chất lượng.

Chủ động nguồn con giống chất lượng trong chăn nuôi bò thịt
Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại trang trại của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Xuân Sơn Hà Nam.

Được biết, để phát triển chăn nuôi bò thịt, tỉnh đã quan tâm phát triển bò sinh sản. Nổi bật là Đề án phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao tỉnh Hà Nam giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025. Kết quả, sau thời gian triển khai đề án, tổng đàn bò của tỉnh đạt hơn 28 nghìn con, tăng gần 10% so với trước. Đồng thời, giúp chất lượng, tầm vóc đàn bò được nâng lên rõ rệt. Hiện 100% bò cái sinh sản đã được cải tạo bằng các giống bò ngoại. Trong đó, bò cái có tỷ lệ máu ngoại cao, bảo đảm phối giống bò thịt chất lượng cao đạt 75% tổng đàn. Chỉ tính riêng trong giai đoạn thực hiện đề án (từ năm 2017 – 2020) cả tỉnh đã lai tạo được 14.300 con bê lai thịt giống 3B chất lượng cao và 5.400 con bê cái lai ngoại chất lượng cao phục vụ nhân giống bò thịt…

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phát triển đàn bò thịt được coi là hướng đi ổn định và giúp tăng thu nhập cho người dân. Hiện, nhận thức của nhân dân về chăn nuôi bò sinh sản tạo nguồn con giống chất lượng đã được nâng lên đáng kể…

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy, việc phát triển bò sinh sản, bò thịt trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, đa phần người dân chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức tận dụng, dẫn đến thiếu ổn định và khó phát triển quy mô lớn. Chủ trương phát triển, nhân rộng các mô hình chăn nuôi tập trung gặp khó khăn do thiếu quỹ đất, khó tập trung ruộng đất. Ngay Khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung tại xã Đồn Xá (Bình Lục) được quy hoạch gần 10 ha, nhưng hiện mới tập trung ruộng đất được hơn 1 ha. Về quỹ đất  nông nghiệp dành cho chăn nuôi bò không nhiều, đa phần người dân tận dụng chăn thả trên triền đê, bờ vùng, bờ thửa… Một vấn đề nữa, việc cải tạo và phát triển bò sinh sản chậm do đây là loài động vật đơn thai (mỗi lứa đẻ 1 con), tỷ lệ bê cái không nhiều. Quá trình nuôi, để sinh sản cần phải hơn 2 năm, sau lứa đẻ đầu tiên.

Để phát triển đàn bò, nhất là bò sinh sản cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ của các cấp chính quyền. Đồng thời, khuyến khích chăn nuôi theo hình thức liên kết, nhất là trong sản xuất con giống đến nuôi bò thịt. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động nâng cao chất lượng đàn bò sinh sản giúp tạo con giống chất lượng cho nuôi bò thịt. Như thế, chăn nuôi bò thịt mới phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy