Chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ trước những thách thức lớn

Trong vài năm trở lại đây, chăn nuôi lợn không bảo đảm được sự tăng trưởng ổn định. Theo giới chuyên môn, đó là do xuất phát từ những nguyên nhân nội tại. Trong đó, chăn nuôi quy mô nhỏ đã bộc lộ rõ những hạn chế, bất cập.

Phải nói rằng, chăn nuôi lợn nông hộ, quy mô nhỏ đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Trong điều kiện chưa có đủ các yếu tố để phát triển chăn nuôi tập trung thì chăn nuôi quy mô nhỏ đã làm tốt vai trò duy trì phát triển tổng đàn, thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển ngành chăn nuôi. 

Tuy nhiên, hạn chế đối với chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, gia trại chính là khó đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp và kiểm soát dịch bệnh. Bệnh dịch tả lợn châu Phi trong những ngày qua xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh khiến cho người chăn nuôi lợn như ngồi trên đống lửa. Nguy cơ xâm nhiễm cao, trong khi người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ chưa có đủ phương tiện, điều kiện phòng, chống bệnh dịch hiệu quả. Những ổ dịch ghi nhận được cho tới thời điểm này ở tỉnh ta phần lớn đều ở những hộ chăn nuôi nhỏ, không kiểm soát được nguồn lây nhiễm.

Lợn thịt của các hộ chăn nuôi được đưa về chợ đầu mối Bối Cầu (Bình Lục). Ảnh: Mạnh Hùng

Ở Hà Nam, chăn nuôi lợn trong nông hộ, gia trại chiếm tỷ lệ lớn, có thời điểm lên tới gần 80% tổng đàn. Hiện nay, tỷ lệ này giảm còn 70%. Theo ghi nhận của chúng tôi, những hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ luôn là đối tượng chịu rủi ro, thiệt hại nhiều nhất khi có “bão giá”, dịch bệnh.

Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi ngành chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu, chất lượng cao với giá thành hợp lý, đủ sức cạnh tranh. Để đáp ứng được yêu cầu này đòi hỏi ngành chăn nuôi hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn phát triển chăn nuôi. Nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ khó đáp ứng được các quy chuẩn, đặc biệt là về kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường, cũng như các điều kiện để xây dựng liên kết, hình thành chuỗi sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi. Chính vì vậy, ở một góc độ nào đó cho thấy, chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ đã kéo tụt năng suất, giá thành chăn nuôi lợn.

Dịch bệnh và cuộc khủng hoảng giá lợn trong giai đoạn 2016-2018 đã cho thấy những mặt trái của phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ cũng như lợi thế của phát triển chăn nuôi tập trung. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT chủ trương giảm dần tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Đối với phát triển chăn nuôi lợn ở Hà Nam, quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 chỉ rõ: Từng bước đầu tư, tăng tỷ lệ chăn nuôi công nghiệp tập trung lên 10% tổng đàn vào năm 2020, lên 20% vào năm 2025; tương ứng với chăn nuôi trang trại mục tiêu tăng lên 25% và 30%.

Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng ổn định tổng đàn, tăng dần về sản lượng thịt xuất chuồng. Phát triển đàn lợn tập trung tại 2 huyện Lý Nhân và Bình Lục; phát triển thương hiệu lợn sạch Ngọc Lũ và mở rộng vùng chăn nuôi lợn sạch ra một số xã lân cận.

Để đạt được mục tiêu này, các chương trình khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi tập trung được triển khai bằng các giải pháp cụ thể. UBND tỉnh chỉ đạo huyện Bình Lục tích cực xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi lợn tập trung, liên kết, cung ứng lợn sạch cho doanh nghiệp, trước mắt là Tập đoàn Masan. Doanh nghiệp này đã đầu tư dây chuyền giết mổ và chế biến thịt với công suất 1,4 triệu con/năm, hiện đang chạy thử với quy mô bình quân từ 50-100 con/ngày.

Đại diện tập đoàn Masan cho biết, tới đây, doanh nghiệp sẽ thống nhất cụ thể giá thu mua lợn và hình thức liên kết với người chăn nuôi. Tuy nhiên, những yêu cầu quy chuẩn về chăn nuôi tập trung phải được đáp ứng.

Rõ ràng, chăn nuôi nhỏ lẻ không còn là phương thức phù hợp để thúc đẩy liên kết chuỗi trong chăn nuôi. Xu hướng chọn lọc phát triển kinh tế đã cho thấy quy luật phát triển kinh tế thị trường và chăn nuôi là ngành không thể đứng ngoài quy luật đó. Phát triển chăn nuôi tập trung, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ là xu hướng tất yếu để nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành chăn nuôi. Vấn đề là cần có sự vào cuộc của các ban, ngành và địa phương để đốc thúc thực hiện các mục tiêu đề ra, trước mắt là xây dựng các cơ sở và vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh- điều kiện vô cùng quan trọng trong chăn nuôi lợn.

Bích Huệ

Bích Huệ, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.