Cấp mã số vùng trồng giúp nâng cao giá trị nông sản

Việc cấp mã số vùng trồng giúp truy xuất nguồn gốc và bảo đảm thực hiện sản xuất theo quy trình kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; đồng thời, từ đó tạo cho người dân có ý thức hơn trong sản xuất, bảo đảm chất lượng và nâng cao giá thành sản phẩm… Xác định rõ tầm quan trọng trên, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh việc thực hiện cấp mã số vùng trồng cho một số loại cây trồng tại những vùng sản xuất trong tỉnh đạt các tiêu chí theo yêu cầu. Đó là trao đổi của ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm về thực hiện cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh.

Xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) xây dựng vùng trồng ngô nếp HN88 có quy mô tập trung, với diện tích vụ xuân gần 20 ha, vụ đông 45 ha. Trong đó, 3 ha ngô nếp HN88 sản xuất theo quy trình và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trên diện tích này, xã Tượng Lĩnh đã đăng ký và được cấp mã số vùng trồng từ vụ đông năm 2022. Khi diện tích ngô nếp HN88 được cấp mã số vùng trồng và đưa lên hệ thống thương mại điện tử được người tiêu dùng khắp nơi trong cả nước biết đến. Quan trọng hơn, sản phẩm được giới thiệu đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất và có tem nhãn. Từ đó, sản phẩm ngô nếp HN88 của địa phương đã mở rộng được thị trường tiêu thụ, không còn phụ thuộc vào 1 đầu mối như trước đây.

Cấp mã số vùng trồng giúp nâng cao giá trị nông sản
Vùng trồng ngô tại xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) được cấp mã số vùng trồng.

Ông Nguyễn Văn Sâm, Giám đốc HTXDVNN Tượng Lĩnh đánh giá: Sau khi được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm ngô nếp HN88 của địa phương sản xuất đã nâng cao được giá trị, hiệu quả. Phần lớn lượng sản phẩm ngô nếp HN88 này của người dân trong vụ đông vừa qua đều được bán ở thị trường thành phố Hà Nội, nguồn cung không đủ cầu. Giá bán sản phẩm tăng gấp 1,3 – 1,5 lần những vụ trước, cho giá trị đạt 5 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều loại cây trồng vụ đông khác…

Cùng với vùng trồng ngô nếp HN88 của Tượng Lĩnh, có thêm 5 vùng sản xuất của các địa phương khác trong tỉnh đã được cấp mã số vùng trồng.  Cụ thể, vùng trồng rau xã Trác Văn có diện tích 3,1 ha, vùng trồng bưởi xã Chuyên Ngoại diện tích 1 ha (thị xã Duy Tiên); vùng trồng dưa chuột xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý) diện tích 3,35 ha; vùng trồng lúa diện tích 3,02 ha và vùng trồng ngô nếp HN88 diện tích 3,1 ha đều của xã Hoàng Tây (Kim Bảng). Đây là những vùng đủ tiêu chuẩn, được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP… Khi được cấp mã số vùng trồng không những giúp tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng, mà sản phẩm còn có cơ hội mở rộng thị trường, kể cả xuất khẩu.

Để được cấp mã số vùng trồng, quá trình sản xuất cần bảo đảm các yêu cầu, như: Bảo đảm có quy trình kiểm soát được sinh vật gây hại ở mức độ thấp và được cấp phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu; vùng trồng phải được kiểm tra và cấp mã số lần đầu trước thời điểm thu hoạch theo yêu cầu của nước nhập khẩu; vùng trồng phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và bảo đảm giảm thiểu sinh vật gây hại, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; có sổ nhật ký đồng ruộng, ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ sản xuất. Diện tích tối thiểu được cấp mã số vùng trồng với cây ăn quả 1ha, rau 500m2…

Cấp mã số vùng trồng giúp nâng cao giá trị nông sản
Vùng trồng bưởi tổ dân phố Du Long (phường Châu Giang, Duy Tiên) đã được chứng nhận VietGap.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh đang có khá nhiều vùng sản xuất đã được chứng nhận VietGAP, kể cả đã sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Như vùng trồng bưởi ở tổ dân phố Du Long, phường Châu Giang (thị xã Duy Tiên) có tổng diện tích hơn 70 ha, trong đó 13,5 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một trong những vùng đang được ngành nông nghiệp triển khai cấp mã vùng trồng... Theo người trồng bưởi ở tổ dân phố Du Long, cây bưởi của địa phương đều đã hơn 10 năm tuổi, những vườn trồng sớm lên đến 22 năm tuổi, cho chất lượng quả ngon. Thời gian gần đây, cây bưởi, nhất là giống bưởi Diễn được trồng tràn lan, nhiều sản phẩm không đạt yêu cầu (do cây ít tuổi, chăm sóc kém…) dẫn đến giá thấp, làm ảnh hưởng đến cả những sản phẩm đạt chất lượng tốt. Hi vọng, khi có chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và tiếp tục được cấp mã số vùng trồng sẽ giúp mở rộng thêm thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm.

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, với tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn có các chỉ tiêu về: liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm; ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã; tỷ lệ sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử… Do vậy, việc các địa phương xây dựng và được cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực góp phần phát triển sản xuất và hướng đến mục tiêu đạt chuẩn xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong những năm tới.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy