Cân nhắc khả năng phát triển tổng đàn bò sữa

Phát triển đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.

Phát triển chăn nuôi bò sữa nhằm mục tiêu làm giàu cho hộ chăn nuôi và thúc đẩy tăng trưởng cho ngành nông nghiệp. Sau nhiều năm thực hiện Đề án về phát triển chăn nuôi bò sữa, tổng đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh tăng nhiều, nhưng so với mục tiêu thì chưa đạt. Nhiều khu quy hoạch không thu hút được hộ nuôi mới, không tăng được tổng đàn. Vấn đề đặt ra hiện nay chính là cần tính toán lại khả năng phát triển tổng đàn bò sữa.

Khi xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, huyện Lý Nhân được đánh giá có tiềm năng phát triển con vật nuôi này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, Lý Nhân mới hoàn thành 72,9% kế hoạch về phát triển tổng đàn. Nhiều khu quy hoạch chăn nuôi bò sữa ở huyện chưa có hạ tầng đầy đủ. Vùng chăn nuôi bò sữa ở xã Nhân Đạo được quy hoạch 27,4 ha, quy mô 32 trại, nuôi 480 con nhưng mới có 3 hộ xây dựng trại nuôi 30 con. Xã Hòa Hậu cũng quy hoạch khu chăn nuôi bò sữa. Năm 2014 có một hộ được giao đất, nuôi 125 con, đến năm 2018, hộ này đã bán hết đàn bò sữa. Khu này hiện chưa có hộ nào đầu tư mới.

Còn tại huyện Thanh Liêm, Liêm Túc là xã duy nhất có quy hoạch về phát triển bò sữa. Song đến thời điểm này, Liêm Túc mới chỉ có 1 hộ  đầu tư nuôi 4 con, so với quy hoạch chỉ đạt 2,6%.

Việc phát triển bò sữa của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Dự án của Công ty TNHH Friesland Campina Hà Nam (66ha) tại xã Mộc Bắc đã bàn giao đất xây dựng 8 trại bò. Song, tổng đàn bò đang nuôi mới chỉ đạt 60,2% kế hoạch (cuối năm 2019). Dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty Vinamilk do có yếu tố nước ngoài thuê đất nông nghiệp nên đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trên địa bàn tỉnh, chỉ có thị xã Duy Tiên cơ bản hoàn thành mục tiêu phát triển tổng đàn bò sữa. Duy Tiên hiện có tổng đàn bò sữa lớn nhất tỉnh, với hơn 2.580 con, đạt 99,6% kế hoạch. Trong đó, xã Mộc Bắc có 128 trại ở 3 khu, trên tổng diện tích được quy hoạch 54,4 ha; khu 1 có 104 trại- khu có đàn bò sữa lớn nhất, được chuyển đổi quy hoạch từ chăn nuôi bò sinh sản sang chăn nuôi bò sữa. Khu này đã có hạ tầng hoàn chỉnh; diện tích đất đã sử dụng 19 ha. Hiện nay, vùng quy hoạch chăn nuôi bò sữa ở Trác Văn và Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) cũng  được lấp đầy.

Hỗ trợ người dân đầu tư vào chăn nuôi bò sữa, một số địa phương đã thành lập HTX chuyên về chăn nuôi bò sữa, giúp các hộ dân hỗ trợ nhau trong chăn nuôi. Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Hà Nam đồng hành, hỗ trợ 128 khách hàng vay trên 71,5 tỷ đồng để mua bò giống. Các công ty vẫn duy trì hợp đồng tiêu thụ sữa bò tươi cho nông dân. Tổng sản lượng sữa bò tươi bán cho các nhà máy đạt khoảng 33 tấn/ngày. 

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, trên thực tế, phát triển chăn nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Quá trình tích tụ ruộng đất tại các khu quy hoạch và đất trồng cây làm thức ăn cho bò rất khó. Vì, đất đã được chia cho các hộ dân từ trước khi có đề án chăn nuôi bò sữa nên nay khó dồn đổi hoặc chuyển đổi mục đích. Công tác quản lý phát triển chăn nuôi bò sữa tại một số khu quy hoạch còn yếu, lỏng lẻo, dẫn đến có một số hộ sử dụng đất trong khu quy hoạch nuôi vịt, gà, lợn, trồng chuối, cây dược liệu… Công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi chưa hiệu quả. Trình độ kỹ thuật của nhiều hộ chăn nuôi còn hạn chế, chưa đồng đều. Thiếu công nghệ chế biến, bảo quản sữa ở cả nông hộ và trang trại.

Những hạn chế trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa. Trong 2 năm trở lại đây, số hộ mới chăn nuôi bò sữa không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là vì thiếu vốn đầu tư, thiếu nhân lực và đất canh tác. Xét điều kiện thực tế về phát triển chăn nuôi bò sữa tại các xã trên địa bàn huyện, UBND Lý Nhân đề nghị được chuyển đổi một phần diện tích vùng quy hoạch tại xã Nhân Đạo sang chăn nuôi bò thịt, vùng quy hoạch chăn nuôi bò sữa ở xã Hòa Hậu sang quy hoạch khác.

Ông Ngô Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên nói: Duy Tiên có thể hoàn thành mục tiêu về chăn nuôi bò sữa, nhưng khả năng phát triển mạnh hơn nữa về tổng đàn thì không lớn, vì đất dành cho chăn nuôi bò sữa không còn. Huyện đã đề nghị mở rộng quy hoạch khu chăn nuôi bò sữa tại xã Trác Văn nhưng chưa được chấp thuận.

Mục tiêu (theo đề án) đến năm 2020, tổng đàn bò sữa ở tỉnh ta đạt 20.000 con, trong đó tổng đàn bò sữa của các hộ dân 7.000 con, của doanh nghiệp 13.000 con. Để phát triển mạnh về chăn nuôi bò sữa, đòi hỏi cần có lợi thế đất, công nghệ sản xuất và chế biến sữa hỗ trợ. Thế nhưng, quỹ đất dành cho chăn nuôi bò sữa ở các địa phương không còn nhiều, thiếu đất trồng cỏ, cây làm thức ăn cho bò. Giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm mạnh, các nhà máy thu mua sữa bò tươi đã thắt chặt khâu kiểm soát chất lượng sữa, trong khi, trình độ chăn nuôi bò sữa của nông dân còn hạn chế...

Sở NN&PTNT xác định mục tiêu trong năm 2020 phấn đấu đạt tổng đàn bò sữa trên toàn tỉnh ở mức 4.200 con- thấp hơn nhiều so với mục tiêu của đề án. Dựa trên điều kiện hiện nay, Sở NN&PTNT đã đề xuất về mục tiêu phát triển tổng đàn bò sữa tại buổi làm việc với đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy hồi tháng 12/2019. Theo đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nêu rõ, cần đánh giá đúng lợi thế, với các lĩnh vực không có lợi thế phát triển phải tính giải pháp khác.

Tăng tổng đàn là một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên, nếu thiếu các điều kiện hỗ trợ cho phát triển thì rất khó đạt được mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, việc đánh giá đúng khả năng phát triển là yêu cầu cần thiết để đề ra những giải pháp đúng, kịp thời và hiệu quả không chỉ đối với ngành chăn nuôi mà còn cho cả ngành nông nghiệp.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.