Cần cẩn trọng khi tái đàn lợn

Theo ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN & PTNT): Với các xã đang có dịch, người dân tuyệt đối không nhập đàn mới từ bên ngoài về nuôi.

Anh Nguyễn Văn Thanh, thôn Hoàng Mai Yên, xã Liêm Phong đang kiểm tra hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn chuẩn bị tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi.

Từ đầu tháng 3, đàn lợn của gia đình  anh Nguyễn Văn Thanh, thôn Hoàng Mai Yên (Liêm Phong – Thanh Liêm) bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, phải hủy toàn bộ hơn 200 con lợn, trong đó có 25 con lợn nái và một lợn đực giống. Đến nay, xã Liêm Phong đã được công bố hết dịch, anh Thanh đang tính đến việc nhập lợn vào nuôi.

Để chuẩn bị tái đàn, anh bắt đầu vệ sinh, tu sửa lại toàn bộ chuồng trại, đặc biệt là tiêu độc, khử trùng. Trước mắt, anh dự kiến nuôi thử nghiệm khoảng 10 con lợn thịt để theo dõi. Sau một thời gian nuôi, nếu xét nghiệm bảo đảm an toàn với dịch, anh mới nhập đàn tập trung. Anh Thanh cho biết: Dù thiệt hại rất lớn trong đợt dịch vừa qua, nhưng tôi vẫn quyết tâm nuôi lợn trở lại vì cơ sở hạ tầng chuồng trại đã được đầu tư.

Tuy nhiên, việc tìm mua lợn giống hiện nay đang khá khó khăn do nuôi thử số lượng ít, không thể mua ở các trang trại lớn. Mua trong dân thì không chắc lợn sạch bệnh. Anh đang phải cố gắng tìm ổ lợn giống khỏe mạnh khoảng 10 con trên địa bàn mua về nuôi thử.

Thời gian qua, khi giá lợn hơi có thời điểm lên trên 40 nghìn đồng/kg, nhiều hộ chăn nuôi đã tính toán nhập đàn. Trong đó, việc nhập đàn đã diễn ra ở cả những địa phương chưa công bố hết dịch.

Như tại xã Ngọc Lũ, vùng trọng điểm nuôi lợn của tỉnh, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên từ ngày 13/5 và kéo dài đến nay với số lợn tiêu hủy hơn 2.000 con. Đầu tháng 6, khi giá lợn hơi xuất chuồng lên cao đã có một số hộ trong xã nhập đàn về nuôi.

Được biết, lượng lợn nhập về khoảng hơn 2.000 con, đều là lợn trại có đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc, giấy kiểm dịch động vật. Tuy nhiên, do Ngọc Lũ vẫn đang trong vùng dịch, nên UBND xã yêu cầu các hộ đã nhập lợn cam kết nếu xảy ra dịch phải chịu toàn bộ trách nhiệm tiêu hủy theo đúng quy định, không được tổng hợp vào diện được hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, xã tuyên truyền các hộ ngừng nhập lợn về nuôi mới theo đúng quy định phòng, chống dịch.

Theo ông Trần  Đình Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, những hộ nhập lợn mới thời gian qua đều tự ý làm. Do đàn lợn của xã đến thời điểm này còn khá lớn, khoảng gần 30.000 con với 2.000 con lợn nái, nên việc nhập lợn từ bên ngoài khá nguy hiểm có thể làm lây lan dịch bệnh. Trước tình hình đó, xã yêu cầu các hộ chăn nuôi phải làm tốt công tác phòng, chống không để dịch tiếp tục lây lan. Việc chăn nuôi của các hộ duy trì bằng việc lấy nguồn con giống từ đàn lợn nái hiện có.

Chăn nuôi lợn vẫn là hướng đi chính trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi cần thực hiện theo đúng quy trình và yêu cầu kỹ thuật. Cụ thể, sau 30 ngày không phát sinh lợn ốm, chết và công bố hết dịch tại địa phương, người dân muốn tái đàn trở lại phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn sau khi xuống thực tế kiểm tra các điều kiện từ vị trí chuồng trại, cách thức chăn nuôi, đến khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường để đảm bảo hết mầm bệnh…

Việc nhập đàn phải được thực hiện theo từng bước. Cụ thể, các hộ nuôi thử số lượng hạn chế trong khoảng một tháng sau đó lấy mẫu xét nghiệm, khi bảo đảm đàn lợn đang nuôi không bị dịch mới nhập số lượng lớn. Cần tránh tình trạng người dân trong vùng dịch thấy giá lợn hơi xuất chuồng lên cao tự ý nhập đàn mới về nuôi.

Ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN & PTNT) cho biết: Việc phát triển chăn nuôi lợn trở lại nhất thiết phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Quan trọng nhất là thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học từ nhập nguồn con giống sạch bệnh, thức ăn bảo đảm, làm tốt công tác vệ sinh thú y, tiêm đầy đủ các loại vắc - xin nâng cao sức đề kháng cho lợn… Với các xã đang có dịch, người dân tuyệt đối không nhập đàn mới từ bên ngoài về nuôi.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy