Các hộ chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Hiện nay, tại xã Văn Xá (Kim Bảng) và xã Liêm Phong (Thanh Liêm) đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Bệnh dịch nguy hiểm này có nguy cơ rất lớn lây lan trên đàn lợn của các địa phương khác trong tỉnh. Do vậy, các hộ chăn nuôi trên địa bàn cần chủ động triển khai ngay những biện pháp phòng, chống.

Ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Văn Xá (Kim Bảng) xuất hiện ở 1 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thuộc thôn Chanh – Trung Đồng, nằm sát các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trong vùng sản xuất đa canh. Tại đây có nhiều hộ nuôi đến hàng trăm con lợn thịt và lợn nái, hộ nhiều nhất nuôi hơn 100 lợn nái và 1.000 con lợn thịt.

Phun thuốc khử trùng tiêu độc môi trường xung quanh ổ dịch ở xã Văn Xá (Kim Bảng).

Đứng trước tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, các hộ chăn nuôi ở đây đang tập trung thực hiện mọi biện pháp để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn của mình. Dọc các tuyến đường vào khu trang trại được người dân rắc trắng vôi bột, cỏ, rác được dọn sạch…

Khu trang trại của anh Vũ Ngọc Trí, có quy mô nuôi 70 con lợn nái và 300 lợn thịt, vôi bột được rải vào tận cửa và các lối đi trong chuồng. Anh Trí tăng cường phun thuốc khử trùng tiêu độc hằng ngày không chỉ trong khu chuồng mà toàn bộ môi trường quanh trang trại. Cửa vào khu chuồng trại chăn nuôi được đóng kín suốt ngày, chỉ những người có trách nhiệm mới ra vào.

Anh Trí chia sẻ: Đàn lợn là tài sản rất lớn, có giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Nếu như lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ phải tiêu hủy toàn bộ, đồng nghĩa với phá sản. Do vậy, chúng tôi bằng mọi cách phải phòng, chống bệnh dịch.

Cũng như các hộ chăn nuôi lợn ở Văn Xá, tại các địa phương khác trong tỉnh, việc phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đang được triển khai khá đồng bộ. Biện pháp chính hiện nay được áp dụng là tăng cường công tác vệ sinh thú y, khử trùng tiêu độc hệ thống chuồng trại và môi trường xung quanh, hạn chế nhập đàn, ngăn ngừa mầm bệnh có thể lây lan từ bên ngoài vào…

Tại HTX nông nghiệp sạch V3M, xã Nhân Thịnh (Lý Nhân) trước đây thường mua lợn giống về nuôi, hiện nay ngừng nhập và đang phát triển đàn lợn nái để chủ động con giống bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hộ bác Trần Thị Thu, thôn Tế Cát, xã Đức Lý (Lý Nhân) chăn nuôi 18 con lợn nái và 100 con lợn thịt. Trước thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi, bác đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống ngay tại hộ. Theo đó, bác Thu tăng cường phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh lên 3 ngày/lần, trước đây khoảng 7 – 10 ngày mới phun. Khu chuồng trại chăn nuôi được dọn dẹp sạch sẽ không để có các vũng nước hay rác bẩn xung quanh để ngăn ngừa dịch bệnh.

Cùng với đó, thời điểm hiện nay bác hạn chế tối đa việc cho người lạ vào khu chuồng trại, nếu có việc cần thiết phải thay quần áo và ủng mới của gia đình. Được biết, trong quá trình chăn nuôi, bác Thu tuân thủ chặt chẽ việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin cho toàn bộ đàn lợn, trong đó có vắc - xin dịch tả lợn truyền thống.

Chăn nuôi lợn hiện nay vẫn được xác định là hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Đối với các hộ dân, chăn nuôi lợn được tăng về quy mô đàn theo hướng tập trung. Rất nhiều hộ chăn nuôi đầu tư chuồng trại nuôi số lượng từ hàng trăm đến cả nghìn con lợn thịt và lợn nái. Như vậy, nếu dịch tả lợn châu Phi xuất hiện mức độ thiệt hại sẽ rất lớn.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy