Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất những tháng cuối năm

Những tháng của quý IV thường là khoảng thời gian các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, gấp rút hoàn thành các đơn hàng trong năm. Năm nay, các đợt dịch Covid -19 phức tạp, kéo dài, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp bị giảm sút đáng kể về sản lượng và lợi nhuận. Thời điểm này, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm phương án để bảo đảm an toàn phòng dịch và đẩy nhanh tiến độ sản xuất nhằm cải thiện doanh thu, đồng thời tìm kiếm đối tác mới, tạo tiền đề cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng đầu của năm 2022.

Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid – 19 nhưng với những giải pháp hỗ trợ tích cực của tỉnh và sự chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn cơ bản được duy trì ổn định. 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020 - đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, các ngành hàng, lĩnh vực có mức tăng trưởng cao như: khai khoáng và sản xuất xi măng; dệt may; sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; sản xuất sản phẩm điện tử, thiết bị điện… 

Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất những tháng cuối năm
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Đèn Led trang trí Đông Phương Hà Nam (Thanh Liêm). Ảnh: Lê Yến 

Theo ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương, trong giai đoạn nước rút này, các doanh nghiệp trong tỉnh đang nỗ lực tìm lời giải cho bài toán “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong điều kiện khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào và công nhân lao động do dịch bệnh. Trước thực tế này, giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện là áp dụng linh hoạt các hình thức để bảo đảm duy trì lực lượng lao động xanh, phổ biến là mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, tính đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh mới thu hút được 31 dự án đầu tư mới, bằng 49,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn duy trì ổn định so với các năm trước. Tính đến ngày 15/9, toàn tỉnh có 490 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 8.000 tỷ đồng. Phần lớn các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất tương đối ổn định nhưng doanh thu khó đạt so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chính là do chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm bị gián đoạn, tồn kho nhiều; doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí để test Covid-19 cho lao động, lái xe qua các chốt kiểm dịch. Bên cạnh đó, hầu hết nguồn nguyên vật liệu đầu vào ở một số ngành như than, thạch cao, phôi sắt thép, các loại ngũ cốc phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi… đều tăng cao cũng là thách thức với các doanh nghiệp sản xuất. 

Năm 2021, sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu thị trường ở một số thời điểm bị chững lại. Nguồn nguyên liệu nhập từ các nước bị gián đoạn, chi phí tăng cao. Tuy nhiên, bằng việc tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này đã ký kết được nhiều đơn hàng mới, kỳ vọng doanh thu trong quý IV sẽ được cải thiện. Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàn Dương, KCN Đồng Văn I (Duy Tiên) là một ví dụ. Dịch bệnh Covid -19 đã khiến doanh thu của công ty trong 9 tháng năm 2021 giảm khoảng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Giải pháp để cải thiện doanh thu trong những tháng cuối năm của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàn Dương là tăng cường lực lượng làm tốt công tác khai thác thị trường, trong đó, tập trung vào các tỉnh “vùng xanh” như: Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên… để thay thế cho thị trường ở các khu vực “vùng đỏ” đang gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. 

Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng Ban Pháp chế, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàn Dương cho biết: Bảo đảm an toàn phòng dịch là yếu tố quan trọng trước tiên để duy trì hoạt động sản xuất. Vì vậy, ngoài việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” đối với hơn 20 lao động thường trú tại Hà Nội, công ty triển khai cho 100% lao động trong tỉnh ký cam kết chấp hành nghiêm phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” (chỉ từ công ty về nhà); đồng thời bố trí phòng cách ly tạm thời đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid -19. Song song với đó, công ty đang huy động toàn bộ nhân lực để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, hoàn thành các đơn hàng cuối năm và tìm kiếm thị trường tiềm năng mới thay thế cho thị trường truyền thống đang gặp khó do đại dịch. Phấn đấu, doanh thu năm 2021 đạt từ 75% trở lên so với mục tiêu đề ra. 

Với sản phẩm chính là bánh tráng, bún, miến, phở chùm ngây Morice – mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam (TP Phủ Lý) đang kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng mạnh trong thời gian tới sau nhiều tháng bị đứt gãy chuỗi cung ứng do TP Hà Nội, tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh  - những thị trường tiêu thụ chính của Morice Noodles Việt Nam bị bùng phát dịch và thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Với kỳ vọng này, thời gian qua, Morice Noodles Việt Nam đã chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sang các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh và ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tại Hà Nội để đưa sản phẩm của công ty vào giới thiệu, bày bán tại hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại. 

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam (TP Phủ Lý) khẳng định: Cuối năm luôn là cơ hội “vàng” để Morice Noodles Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ. Nguồn hàng sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022 của công ty hiện đã cơ bản bảo đảm với sản lượng quý IV tăng khoảng 30% so với quý III. Công ty cũng xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp để khôi phục, phát triển sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát như: đầu tư, lắp đặt hệ thống dây chuyền, máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của thị trường để đa dạng hóa các mặt hàng, cải tiến mẫu mã sản phẩm; tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân lao động; chú trọng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với các quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, thường xuyên vệ sinh thiết bị máy móc, môi trường làm việc… 

Bước vào cao điểm sản xuất cuối năm, cùng với giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững lượng khách hàng truyền thống, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tích cực nghiên cứu, mở rộng thị trường mới để tăng doanh thu, tìm kiếm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các giai đoạn tiếp theo. Với sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của tỉnh, các cấp, các ngành và sự nỗ lực của doanh nghiệp, ngành công thương kỳ vọng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong năm 2021 sẽ duy trì đà tăng trưởng khá so với năm 2020.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy